Người “giữ hồn” văn hóa dân tộc Mông ở cao nguyên trắng Bắc Hà

Mặc dù đã ở độ tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng ông Lý Seo Hồ (xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) vẫn luôn sẵn sàng biểu diễn những bài hát dân ca cổ, những điệu múa võ khèn, võ sênh tiền… đặc sắc của người Mông cho du khách trong và ngoài nước thưởng thức. Nhiều người mệnh danh ông là “kho tàng sống”, là người giữ hồn tinh hoa văn hóa dân tộc Mông ở cao nguyên trắng Bắc Hà.

Đến với xứ sở cao nguyên trắng Bắc Hà (Lào Cai) trong những ngày đầu Xuân, du khách không chỉ được chìm đắm trong cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ với sự trải dài đến mênh mông của sắc trắng hoa mận và những lễ hội truyền thống đặc sắc của người Dao, người Mông, người Tày… ở nơi đây, mà thú vị hơn cả là được gặp gỡ, trò chuyện và được nghe ông Lý Seo Hồ nói về những bản sắc văn hóa của người Mông ở Bắc Hà.

nguoi giu hon van hoa dan toc mong o cao nguyen trang bac ha
Sắc trắng hoa mận được coi là đặc sản của núi rừng Bắc Hà. Ảnh Phương Ngân

Từ trung tâm huyện Bắc Hà, với sự chỉ dẫn của người dân địa phương, đi qua những sườn núi bạt ngàn hoa mận trắng tinh, như những dải mây lững thững trôi ở lưng chừng núi, chúng tôi tìm đến căn nhà của ông Lý Seo Hồ. Thoáng thấy khách, ông Lý Seo Hồ vồn vã mời chào. Vừa yên vị, ông đã cầm lấy chai rượu rót ra mời những vị khách đang còn ngác ngơ giữa không gian tuềnh toàng nhưng ấm áp, thân thiện đến vô cùng.

Đến nay, ông Lý Seo Hồ đã 77 tuổi, nhưng so về sức khỏe và độ dẻo dai thì ông không hề thua đám trai bản. Da dẻ hồng hào, bắp chân, bắp tay cuồn cuộn, gân guốc, giọng nói hào sảng, vang như thác lũ. Sau ly rượu thay lời chào, ông Lý Seo Hồ bắt đầu say sưa giới thiệu cho chúng tôi về điệu múa sênh tiền, múa võ khèn và các bài hát dân ca cổ… được coi là tinh hoa văn hóa dân tộc Mông mà ông đã miệt mài gìn giữ suốt 50 năm qua.

Vốn lận lưng của ông Lý Seo Hồ là 360 bài hát dân ca cổ dân tộc Mông với rất nhiều điệu múa, tiếng khèn, đánh võ tay… Tất cả được ông học và tích lũy từ tuổi đôi mươi. Với vốn liếng ấy, giờ đây ông trở thành “kho tàng sống” cho những ai muốn tìm hiểu về bản sắc người Mông ở cao nguyên trắng Bắc Hà.

Theo ông Hồ, con trai Mông biết múa khèn, chơi đàn môi lúc mới 12, 13 tuổi còn ông không chỉ biết múa mà còn tìm hiểu rất kỹ về nhạc cụ của dân tộc mình. Chỉ tay vào cây khèn, ông giải thích rằng, khèn là loại nhạc cụ đặc trưng của người Mông, được chế tác bằng ống tre.

Muốn làm được chiếc khèn hay và bền thì người con trai Mông phải mất cả tháng vào rừng tìm cho được cây tre đực, không lấy ngọn, cũng không lấy gốc chỉ lấy phần giữa rồi cho thêm những tay tre già, đục lỗ rồi buộc dây sao cho khi cầm cây khèn lên vừa nhẹ nhưng lại chắc, thổi lên tiếng phải trong. Nhạc cụ này chủ yếu cho nam giới sử dụng trong đám tang và thanh niên dùng trong những ngày hội hè. Không chỉ để thổi, khèn còn dùng để múa. Cứ mỗi mùa hoa mận nở trắng rừng thanh niên trai gái bản lại tụ tập nhau bên những điệu múa võ khèn, sênh tiền.

Ông Hồ cho biết, trước kia, võ khèn cũng là võ thuật để chiến đấu nhưng sau này, múa võ khèn trở thành loại hình dân vũ độc đáo của người Mông. Múa võ khèn gồm các bài quyền song trảm, lưỡng hổ tranh quyền, bạt sơn…. Để múa các thế võ này, đòi hỏi phải có sự khổ luyện, khi múa và tập đối kháng di chuyển phải nhanh và êm như bước di chuyển của loài hổ, báo. Đường quyền không hạn chế các niêm luật và rất phóng khoáng. Điều đặc biệt là, người múa có lúc vừa phải thổi khèn sao cho âm thanh thật nuột nà lại vừa phải thực hiện những tư thế vừa dứt khoát, vừa mềm mại.

nguoi giu hon van hoa dan toc mong o cao nguyen trang bac ha
Ông Lý Seo Hồ biểu diễn một điệu khèn của người Mông. Ảnh Mai Quý

Nhấp chén rượu ngô đượm nồng, ông Lý Seo Hồ tâm sự, ngày trước con trai người Mông múa võ khèn, võ sênh tiền đến hết 3 đêm liên tiếp mà trong lòng vẫn còn ấm ức, muốn tiếp tục thi thố tài năng. Trong mỗi xới diễn võ thường có từ 2 đến 4 người tham gia, tất cả phải cùng nhau múa khèn quyền. Anh nào múa hay, dẻo, có nhiều bài quyền hơn và dành được sự ủng hộ của khán giả, thì người đó chiến thắng. Hồi đó, người chiến thắng thường được thưởng rượu, thịt, được bà con người dân tung hô vang cả núi rừng. Ông Hồ khoe, thời trai trẻ, đi thi đấu múa võ khèn ở khắp các đỉnh núi của người Mông ở Bắc Hà, Si Ma Cai, Xín Mần, Hoàng Su Phì… đều không có đối thủ.

Nhớ lại một thời sôi nổi của tuổi trẻ, ông Hồ không giấu được niềm tự hào trên gương mặt và trong ánh mắt sáng ngời. Nhưng vừa kết thúc câu nói, ông lại cất tiếng thở dài, giọng trầm ngâm, ông bảo, theo thời gian, người biết múa võ khèn, võ sênh tiền cũng dần dần khuất núi. Nhiều người biết múa võ khèn, võ sênh tiền vì bận cuộc sống mưu sinh nên cũng đành “quy ẩn giang hồ”. Bản thân ông cũng một thời gian dài không tham gia múa võ nữa. Nhưng trước sự thờ ơ của giới trẻ và nguy cơ mai một của môn võ độc đáo này, hơn nữa là tiếc cái hay cái đẹp của môn múa võ mà tổ tiên dày công xây dựng, ông đã “tái xuất giang hồ” cho dù đã ở độ tuổi thất thập cổ lai hi, ông vẫn luôn “chiến đấu” để dòng võ múa khèn còn ở lại với người Mông.

Vì thế, ông Hồ vẫn miệt mài gìn giữ những câu hát, điệu múa với ước mong ngày càng có nhiều thanh niên Mông học những bài hát điệu múa đó để cùng ông giữ gìn những tinh hoa văn hóa của dân tộc mình. Và, ngày ngày vẫn có nhiều người tìm đến ngôi nhà nhỏ giữa lưng chừng núi để nghe ông hát những câu gọi bạn mà người Mông hay hát trong những phiên chợ tình và để chiêm ngưỡng, thưởng thức những điệu múa võ khèn, sênh tiền do ông biểu diễn.

                                                                                         Theo: laodongthudo.vn

Bạn cũng có thể thích