Sầm uất chợ nông cụ ngày đầu xuân trên Cao nguyên trắng

Đối với người dân vùng cao thì nông cụ là vật dụng không thể thiếu và có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống lao động sản xuất hằng ngày. Vì vậy, tại phiên chợ đầu năm ở Bắc Hà mặt hàng được bày bán và mua nhiều nhất đó là các dụng cụ sản xuất nông nghiệp như: Dao phát, cuốc… và hiện nay đã có máy cày. Hoạt động mua bán của người dân địa phương đã tạo nên một khí thế sôi nổi, khởi đầu một năm mới tích cực lao động sản xuất ở vùng cao Bắc Hà.

Chợ văn hóa Bắc Hà là chợ phiên thuộc loại lớn nhất, sắc màu nhất vùng cao Tây Bắc. Người dân đến chợ, ngoài việc giao lưu, trao đổi hàng hóa, còn là dịp để được gặp gỡ bạn bè, người thân. Đặc biệt, chợ văn hóa Bắc Hà cũng là nơi hẹn hò để nam nữ thanh niên người dân tộc gặp nhau sau mỗi tuần lao động vất vả. Với họ, mỗi phiên chợ cũng được xem như là ngày hội xuống núi và phong tục này vẫn duy trì đến ngày nay. Chợ văn hóa Bắc Hà được chia thành những khu chợ nhỏ như chợ thổ cẩm, chợ ẩm thực, chợ rèn đúc… Mỗi khu chợ đều phong phú đa dạng các mặt hàng và mang đậm bản sắc dân tộc địa phương.

Các lò rèn dao đỏ lửa phục vụ nhu cầu mua sắm nông cụ sản xuất. 

Tại phiên chợ đầu xuân Canh Tý, một trong những mặt hàng được người dân quan tâm nhiều nhất đó là các sản phẩm nông cụ như: Dao phát, cày, cuốc… bởi Bắc Hà là huyện vùng cao, người dân sống dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp và chăn nuôi là chính, cho nên sau thời gian nghỉ tết Nguyên đán nhân dân địa phương rất chú trọng vào sản xuất nông nghiệp, nhất là vụ ngô đầu năm, đây là vụ quan trọng nhất đối với nhân dân các xã vùng cao. Vì vậy, cảnh người dân mua bán dụng cụ sản xuất nông nghiệp ngày đầu năm diễn ra rất sôi động, không chỉ người dân trong huyện mà có cả người từ các xã của huyện Si Ma Cai cũng về đây để mua sắm nông cụ.

Cửa hàng bán dao ở chợ văn hóa Bắc Hà nhộn nhịp người mua trong phiên chợ đầu tiên của năm Canh Tý. 

Những nông cụ bày bán ở chợ do tự tay người dân địa phương làm ra và đều mang đặc thù riêng không giống các sản phẩm từ miền xuôi đưa lên Bắc Hà. Ví dụ như lưỡi cày ở đây được làm dày, to và sắc hơn so với lưỡi cày miền xuôi nhỏ và ngắn. Tuy nhiên, hiện nay nhiều gia đình đã sử dụng máy cày trong sản xuất nên ít người hỏi mua lưỡi cày hơn trước. Ông Sùng Nghĩa Chúng, chủ lò đúc lưỡi cày ở thôn Bản Phố 2, xã Bản Phố cho biết: “Bây giờ không có nhiều người cày ruộng, nương bằng lưỡi cày mà chuyển sang dùng máy cày; thêm vào đó, để làm ra một chiếc lưỡi cày phải mất rất nhiều công sức, tiền nguyên vật liệu mà bán lãi cũng không cao nên nhiều lò đúc đã đóng cửa”.

Sầm uất chợ nông cụ ngày đầu xuân trên Cao nguyên trắng

Lưỡi cày của người dân địa phương làm ra giờ vắng người mua. 

Không kém phần nhộn nhịp như chợ nông cụ, cửa hàng bán các loại máy cày, bừa mini tại chợ văn hóa Bắc Hà cũng đông đúc người dân đến xem và mua về sử dụng. Những năm gần đây, nông dân trên địa bàn huyện Bắc Hà đã tích cực đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp, góp phần giải phóng sức lao động của con người, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đây là khâu quyết định đến việc bảo đảm thời vụ và tăng hệ số sử dụng đất nông nghiệp.

Người dân xem máy cày tại một cửa hàng ở chợ văn hóa Bắc Hà.

Với sự chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ngày đầu năm và sự cần cù trong lao động sản xuất, hy vọng rằng nhân dân các dân tộc huyện Bắc Hà sẽ có một năm sản xuất bội thu.

Lê Hiếu

Bạn cũng có thể thích