Xôi ngũ sắc, món ăn hút hồn du khách tại Bắc Hà

Người ta nói rằng, khi tới với Bắc Hà thì món ăn không nên bỏ qua đó là món xôi ngũ sắc. Thứ xôi kỳ lạ không chỉ dẻo, thơm mà màu sắc cũng rất bắt mắt với năm màu chủ đạo: Xanh, đỏ, tím, vàng, trắng – là màu của các loại lá rừng, đặc sản chỉ mọc ở vùng cao.

Những ai đã từng được thưởng thức qua món xôi ngũ sắc của đồng bào dân tộc vùng cao thì chắc hẳn sẽ không thể quên được hương vị quánh dẻo của xôi, béo ngậy của vừng. Tất cả các nguyên liệu hòa trộn tạo nên một món ăn đặc trưng của đồng bào người Dao huyện Bắc Hà.

xoi ngu sac mon an hut hon du khach tai bac ha
Du khách tới Bắc Hà tham quan và thưởng thức món xôi ngũ sắc.

Nguyên liệu làm xôi ngũ sắc gồm có gạo nếp thơm dẻo được trồng ở Bắc Hà, các hạt gạo phải nguyên chất, không được trộn lẫn với gạo tẻ. Gạo nếp sau khi vo xong tiến hành ngâm trong nước lã từ 6 – 8 giờ, tiếp đó, gạo nếp được chia thành 5 phần đều nhau để nhuộm màu.

Thông thường, người dân ở đây sẽ dùng quả gấc hoặc lá cơm đỏ để tạo màu đỏ gạch cho gạo nếp. Màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước còn màu tím sẽ dùng lá cơm đen, hoặc lá cây sau…

Công đoạn đồ xôi được coi là khâu quan trọng hơn cả khi tạo ra món xôi ngũ sắc. Khâu này đòi hỏi người đồ xôi phải thật khéo léo mới có được món xôi như ý. Nói về cách đồ xôi sao cho ngon, cô Vàng Thị Hợi (xã An Hối, huyện Bắc Hà) chia sẻ: “Gạo ngâm màu nào dễ phai nhất được cho vào chõ đầu tiên, kế đến là các màu còn lại, màu trắng trên cùng. Lượng nước cho vừa phải, cùng với đó là khi thấy chõ xôi bốc hết hơi phải bỏ ra để tránh việc xôi bị nát”.

xoi ngu sac mon an hut hon du khach tai bac ha
Xôi được đựng giữ nóng trong chõ gỗ.

Theo người dân bản địa, xôi ngũ sắc do năm màu sắc tạo thành một tổng thể, tượng trưng cho âm dương ngũ hành, cho tình đoàn kết của các dân tộc anh em. Nhưng mỗi màu sắc cũng có thể đứng độc lập, mang ý nghĩa riêng.

Màu trắng có vị thơm dẻo nguyên chất của hạt gạo nương, tượng trưng cho sự tinh khiết của đất trời, của hạt sương sớm mai trên núi. Màu đen có vị đậm đà của cây sau sau, biểu trưng cho những khó khăn hạn hán, mất mùa, những vất vả nhọc nhằn của người làm lên bông lúa giữa chênh vênh núi đồi.

Màu xanh có vị thanh mát của lá gừng, mang niềm hy vọng và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, cho mùa màng bội thu. Màu đỏ có vị dịu, thơm của lá cơm nông, tượng trưng bếp lửa hồng của người dẻo cao với ước mong hạnh phúc gia đình mãi quây quần bên nhau. Màu vàng có vị đắng dịu của nghệ và có thơm rất lâu, mang khát vọng no đủ ngàn đời cho con cháu không bao giờ thiếu ăn, thiếu mặc.

Xôi ngũ sắc thường xuất hiện trong những mâm cỗ cúng giỗ, cưới hỏi, lễ vào nhà mới… Đồng bào ở đây quan niệm, trong những ngày này, nhà nào pha chế màu xôi chuẩn, bắt mắt thì nhà đó sẽ có nhiều may mắn, hạnh phúc trong năm mới.

Lương Hằng

Bạn cũng có thể thích