Dinh thự Hoàng A Tưởng, sừng sững trên cao nguyên trắng Bắc Hà
Dinh thự cổ Hoàng A Tưởng của xứ Bắc Hà cũng có sức hút mãnh liệt chẳng kém gì ruộng bậc thang vàng ươm khi đến mùa lúa chín, hay những phiên chợ vùng cao đầy sôi động ở Sapa.
Nếu như Hà Giang có dòng sông Nho Quế uốn lượn mềm mại như dải lụa, Mộc Châu có cánh đồng cải vàng rực rỡ thì cao nguyên Bắc Hà lại mang vẻ đẹp giản đơn, pha trộn nhiều màu sắc theo cách của riêng nó.
Và để cảm nhận thật đầy đủ về nếp sinh hoạt, văn hóa của đồng bào trên cao nguyên Bắc Hà, thời điểm lý tưởng nhất để ghé thăm là vào ngày cuối tuần. Khi di chuyển từ Hà Nội (quãng đường hơn 300 km) từ sáng sớm ngày thứ bảy, giữa buổi chiều bạn sẽ đến nơi. Tại đây có rất nhiều nhà nghỉ để lưu trú.
Nhưng nhiều khách du lịch đến đây vì vội vàng đã bỏ qua biết bao điều kì diệu mà ngoài Bắc Hà ra không nào có được. Đến đây, chốc chốc bạn lại bắt gặp một công trình bằng đất và đá, được xây dựng từ lâu đời nhưng vẫn lộng lẫy và khiến nhiều du khách phải trầm trồ chiêm ngưỡng. Trong đó, tiêu biểu là dinh thự Hoàng A Tưởng – một biểu tượng của cao nguyên trắng hay còn được biết đến với tên gọi khác là “Vua Mèo xứ Bắc Hà”.
Theo sử sách ghi lại, trước năm 1945, Bắc Hà là một xã hội thuộc địa nửa phong kiến, xã hội phân chia tầng lớp và có sự phân hóa mạnh mẽ. Điển hình cho giai tầng cai trị chính là cha con Hoàng Yến Chao và Hoàng A Tưởng. Dù là gia tộc người Tày, nhưng vùng này có tới 70% là người Mông nên người dân gọi là vua Mèo.
Nhằm thể hiện quyền uy của mình, trong thời gian cai trị vùng này, cha con gia tộc họ Hoàng đã mời hai kiến trúc sư người Pháp và người Trung Quốc để xây dựng cung điện nguy nga, tráng lệ. Sự xa hoa của dinh thự này không chỉ thể hiện ở quy mô, kiến trúc mà còn nằm ở cách thức xây dựng. Các loại gạch ngói được sản xuất một cách công phu, sắt thép, xi măng được mua từ dưới xuôi và chở lên bằng máy bay của Pháp. Năm 1921, dinh thự hoàn thành, trở thành một trong những công trình nổi bật nhất vùng Bắc Hà.
Việc chọn đất, hướng nhà, kiến trúc cũng do hai kiến trúc sư người Pháp và Trung Quốc thiết kế và trực tiếp thi công. Dinh thự Hoàng A Tưởng quay hướng Đông Nam, lưng tựa vào núi Cô Tiên, đúng theo thuyết phong thuỷ của người Tàu: “Tựa sơn đạp thuỷ”, thế rất vững chãi. Toàn bộ không gian của dinh thự có sự đan xen hài hòa, bố cục hình chữ nhật liên hoàn khép kín tổng thể 36 phòng, với tổng diện tích lên đến 4.000m2.
Nhìn tổng thể, dinh thự cổ trông rất hài hòa với lối kiến trúc Á – Âu. Vòm trên cùng của ngôi nhà chính có đắp nổi hai cành nguyệt quế,ở giữa có lỗ rỗng hình bán nguyệt. Xung quanh khu dinh thự Hoàng A Tưởng có tường rào chắc chắn, gồm 3 cổng. Bốn phía tường rào đều có lỗ châu mai, thường xuyên có hai trung đội lính canh phòng cẩn mật.
Để rồi những ai đã từng đặt chân lên với thị trấn miền biên ải Si – Ma – Cai đều phải trầm trồ thán phục cái vẻ trầm tư cổ kính và những giá trị lịch sử của dinh thự Hoàng A Tưởng, bởi cái màu thời gian và những huyền thoại về chủ nhân của dinh thự như còn lưu dấu trên mỗi cây cột nhà hay những góc tường rêu phong cũ kỹ.
Ngoài ra, khi đến với dinh thự cổ này, các bạn cũng được chiêm ngưỡng các sản phẩm thủ công địa phương như khăn, áo, váy thổ cẩm hay tẩu thuốc… rồi đến tham quan dãy phòng khu trưng bày các kỷ vật, các tác phẩm nghệ thuật về đời sống dân tộc vùng cao, các mô hình trang phục truyền thống của người Dao, Mông…
Tuy nhiên, ở Bắc Hà, đâu chỉ có mỗi dinh thự Hoàng A Tưởng là điểm du lịch duy nhất. Cách đó 3 km chính là thung lũng hoa Thải Giàng Phố với muôn hoa khoe sắc rực rỡ. Nếu thích, bạn cũng có thể dễ dàng mua đem về nhà làm cảnh, hoặc làm quà cho người thân bạn bè.
Hiện nay, dinh thự đã được phủ lên lớp sơn mới màu vàng tươi mới và lộng lẫy hơn. Mặc dù vậy, dinh thự Hoàng A Tưởng vẫn là hình ảnh rõ nét nhất cho một thời vàng son, quyền lực xa xưa và sẽ là điểm đến hấp dẫn mà du khách không nên bỏ qua khi du lịch Sapa.
Lê Vân (Tổng hợp)
Theo Báo Thể thao Việt Nam