Bắc Hà mở rộng diện tích cây dược liệu, xoá đói, giảm nghèo
Với điều kiện tự nhiên mát mẻ quanh năm, huyện Bắc Hà có nhiều lợi thế để phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây, thực hiện Dự án “Phát triển cây dược liệu huyện Bắc Hà, giai đoạn 2014 -2020”, diện tích cây dược liệu của huyện Bắc Hà đã được mở rộng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nhiều hộ nông dân. Đặc biệt với dự án này, việc mở rộng diện tích cây dược liệu được thực hiện trên cơ sở liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Đây là hướng phát triển tiềm năng, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp đồng bào vùng cao Bắc Hà xóa đói, giảm nghèo.
Theo phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, Dự án “Phát triển cây dược liệu huyện Bắc Hà, giai đoạn 2014 – 2020” tập trung ở 5 xã: Lùng Phình, Bản Già, Na Hối, Tà Chải, Nậm Mòn với tổng vốn đầu tư trên 34 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là tập trung trồng 2 loại cây dược liệu Atisô và đương quy trong 2 năm (2014 – 2015) có quy mô 33 ha theo tiêu chuẩn GACP-WHO; từ năm 2016 – 2020 phát triển mở rộng thêm cây dược liệu có tiềm năng khác như: Bạch truật, xuyên khung, độc hoạt, chè dây với diện tích ổn định là 84 ha. Hình thành làng nghề mới về trồng, chăm sóc, sơ chế dược liệu; tạo việc làm cho gần 300 hộ dân, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần và xóa đói, giảm nghèo cho người dân trong vùng dự án. Sau hơn 03 năm triển khai thực hiện, hết năm 2017, huyện Bắc Hà đã trồng được khoảng gần 90 ha cây dược liệu. bao gồm cây Atiso, Đương qui, Cát cánh, Đan sâm, Phòng phong, Sâm ngọc linh, Bạch chỉ và Khổ sâm…. Trong tổng diện tích cây dược liệu mà dự án đã thực hiện, nhà nước hỗ trợ trên 52 ha; nhân dân, doanh nghiệp, tự đầu tư sản xuất 31 ha.
Cây dược liệu xóa đói, giảm nghèo
Nhiều địa phương được qui hoạch, tham gia phát triển cây dược liệu triển khai thực hiện khá tốt như: Lùng Phình, Bản Già, Tả Củ Tỷ… Điểm đáng mừng là trong quá trình triển khai dự án, huyện Bắc Hà đã cùng các địa phương ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với Công ty Traphaco với mức giá bình quân cao gấp đôi, gấp 3 lần so với việc trồng ngô, trồng lúa. Kết quả này đã lập tức được người dân chấp nhận, tiếp tục mở rộng diện tích trong những năm sau. Anh Ma Seo Vần, thôn Túng Súng, xã Lùng Phình là 01 hộ dân tham gia dự án trồng cây dược liệu Atiso. Từ vài nghìn mét vuông năm đầu, cho đến nay, gia đình anh đã chuyển toàn bộ đất nương ngô và còn thuê thêm đất để trồng Atiso với tổng diện tích lên tới 3 ha. Anh Vần cho biết: Nếu như trước đây, gia đình anh chỉ biết độc canh cây ngô và lúa thì bây giờ được sự quan tâm từ dự án quy hoạch vùng dược liệu của huyện, gia đình anh trồng Atiso rất ổn định. Theo anh đây là loại cây khá dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, trong khi có thể thu được toàn bộ không bỏ phí bộ phận nào của cây. Điều đặc biệt nhất là trồng Atiso thì không phải lo lắng gì về đầu ra cả bởi đã có doanh nghiệp thu mua toàn bộ.
Tại xã Bản Già – địa phương có 100% hộ người Mông sinh sống, dự án phát triển cây dược liệu cũng đã được người dân hết sức hưởng ứng. Năm 2015, năm đầu tiên triển khai dự án, toàn xã Bản Già trồng được trên 2 ha cây Đương Qui, năm 2017, diện tích này được tăng gấp đôi với gần 20 hộ dân. Theo chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thào Seo Thề, thì sau gần 04 vụ sản xuất, với sự giúp sức của các cán bộ kỹ huật ngành Nông nghiệp và của Công ty Trapaco, những hộ dân Bản Già đã cơ bản nẳm bắt được qui trình trồng, kỹ thuật chăm bón đối với loài cây dược liệu này bởi việc trồng và chăm sóc cây Đương Qui không hề khó. Tuy nhiên, để có thể mở rộng diện tích, thì Bản Già nói riêng và 07 xã khác nằm trong vùng dự án Phát triển cây dược liệu nói chung của huyện Bắc Hà mong muốn: Tỉnh, huyện và các doanh nghiệp đầu tư liên kết vào việc sản xuất, kinh doanh cây dược liệu cần có những khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng từ đặc điểm khí hậu, độ cao phù hợp, chất đất cho đến việc chuyển giao kỹ thuật, tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay cho những hộ dân tham gia trồng cây dược liệu trong vùng dự án.
Được biết, để hướng tới sự phát triển bền vững của cây dược liệu, thời gian qua, huyện Bắc Hà đã chủ động ban hành, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân tham gia trồng, mở rộng diện tích cây dược liệu. Từ đó, đã khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ cao vào sản xuất… góp phần tích cực hỗ trợ phát triển trồng, chăm sóc, chế biến, kinh doanh cây dược liệu trên địa bàn.
Năm 2018 , toàn huyện Bắc Hà lên kế hoạch trồng thêm 50 ha cây dược liệu (tương đương năm ngoái), nâng tổng diện tích cây dược liệu tại địa phương trên 100ha. Chính quyền địa phương hy vọng: Việc ở rộng diện tích cây dược liệu sẽ giúp thêm hàng trăm hộ đồng bào vùng cao của địa phương có cơ hội giảm nghèo bền vững.
An Hồng – Laocaitv.vn –