Bắc Hà: Cao nguyên trắng đắm mình trong Xuân
(LĐTĐ) Mùa mận mới đang về trên đất Bắc Hà, cả một vùng rừng trắng xóa hoa mận đầu Xuân ẩn mình trong làn sương sớm. Đâu đây váng vất mùi hơi thở của đất trời, tiếng rì rầm của con sâu, cái kiến tự tình trong sương mù. Tiếng những hòn đá cười khanh khách dưới vòm nước suối nguồn róc rách. Bắc Hà đẹp dịu dàng trên những con đường hoài cổ…
Những ai đến “cao nguyên trắng” Bắc Hà vào những ngày Xuân sẽ không khỏi đắm say trước những vạt mận Tam hoa đang nở trắng núi rừng, lấp lóa như một nàng tiên áo trắng đang sà xuống trong nắng xuân. Làng bản nhấp nhô trên những ngọn núi cao trùng điệp, dưới thung lũng. Khói và sương hòa quyện bảng lảng lưng chừng núi như những đàn cừu lông trắng đang theo nhau đi về hướng những cơn gió khiến nơi đây đời rất khác và tình cũng khác.
Hùng vĩ mà vẫn nên thơ là những cánh rừng sa mu xanh thắm, rừng mận tam hoa bạt ngàn nở trắng cao nguyên. Đâu đó lác đác rừng đào nhạt, đào phai hồng thắm mờ ảo trong sương. Phong cảnh thiên nhiên mùa xuân ở cao nguyên Bắc Hà – “Sa Pa thứ hai” của Lào Cai hiện ra như một bản nhạc gẩy gót những nốt tơ.
Ảnh: Nguyễn Công |
Xuân về Bắc Hà thay “áo mới”, khoác lên mình chiếc áo muôn màu sắc rực rỡ, tươi trẻ, giàu sức sống và ấm áp. Bắc Hà trồng rất nhiều cây ăn quả, các loài hoa hợp với khí hậu ôn đới như hoa Hồng Pháp, hoa Phăng, hoa Lan, hoa Mai, Đào, Lê ….. Đặc biệt, Mận tam hoa được trồng khắp cao nguyên tạo thành cả cánh rừng mùa xuân hoa nở trắng rộ.
Rồi những rừng mơ, rừng lê trắng, lau trắng ngút ngàn các thung lũng nhỏ hòa lẫn mây mù sương bao phủ. Trong mưa phùn lất phất, từng cơn gió xuân thổi qua rừng mận cuốn theo cánh hoa bay lập lờ khắp cao nguyên tựa như từng đàn bướm trắng đang tụ hội về đón Xuân mới.
Vùng đất Bắc Hà từ xa xưa thời vua Hùng Vương thuộc đất Tây Âu của Thục Phán. Trải qua những thăng trầm lịch sử, Bắc Hà vẫn mang nét cố kính u hoài . Đã đến đây, không ai có thể bỏ qua lâu đài Hoàng A Tưởng.
Vẻ đẹp hoang sơ, u sầu của công trình sẽ khiến nhiều du khách cảm thấy bất ngờ vì tại nơi hẻo lánh này lại xuất hiện một kiến trúc phương Tây, mà chính xác nhất ta phải gọi nó là một lâu đài nhỏ. Chiếm lĩnh riêng một ngọn đồi, tòa dinh thự nhìn thẳng xuống thung lũng Bắc Hà. Những cửa sổ vòm cao và hẹp. Những lỗ châu mai, cửa hầm tăm tối, bí hiểm nhấn mạnh thêm phần đế lực lưỡng của tòa nhà.
Phía trước lâu đài tường ghạch rêu phong, những cây leo nở đầy hoa tím ngắt. Mưa phùn và những điều bí ẩn khiến cho lâu đài đẹp như một bức tranh huyền bí kiểu Pháp.
Chiều xuống thấp hơn. Ánh mặt trời dường như đặc lại, vấn vương nơi những khe cửa sổ. Lấp lánh mãnh liệt trong phút chốc trên gờ của những cây cột tròn. Ngoái nhìn lại một lần nữa, tòa dinh thự lặng lẽ in bóng trên nền trời tím sẫm, u hoài và tráng lệ. Vẻ đẹp hoang tàn của lâu đài nhỏ khiến ta chợt thấy chạnh lòng, tiếc nuối một điều gì đó rất xa vắng.
Ảnh: Nguyễn Công |
Khác hẳn với những nét cổ kính của lâu đài Hoàng A Tưởng, chợ phiên Bắc Hà như một nụ cười rạng rỡ, xôn xao giữa những gì trầm mặc.
Buổi sáng, mây mịn màng và dịu nhẹ như bông sà xuống vuốt nhẹ lên mặt đường rồi len lỏi chui cả vào ngực áo, đậu nhẹ trên vòm mi. Cô gái người Dao có đôi mắt to đen láy, má hây đỏ đứng ngơ ngác với chiếc gùi trên vai. Chắc cô đang chờ ai đó để đến kịp phiên chợ ngày Xuân. Phía bên kia là ruộng bậc thang trơ những gốc dạ hanh vàng, lấp ló là những ngôi nhà màu đen nằm cheo leo ở lưng chừng trời. Bắc Hà đang sũng nước, nước đính cườm trên ngọn sa mộc, nước tung mình trong những con suối thành màu trắng mềm óng như tơ.
Tiếng leng keng vó ngựa, tiếng bước chân nhộn nhịp, tiếng người văng vẳng trong sương sớm như xua tan cái lạnh giá dưới 6 độ C để đến chợ phiên. Chợ http://newcialisonline.net/ Bắc Hà là nơi bày bán đủ mọi sản vật của vùng cao, những vật dụng cần thiết cho người dân tộc: cày, cuốc, xẻng, dao các loại rau, hoa quả, mật ong. Trong tiếng ồn ào mua bán, nghe đâu đó tiếng khèn và tiếng hát lúc trầm lúc bổng của các chàng trai trẻ như mời gọi các cô gái. Khách du lịch đến Bắc Hà, nhất là khách nước ngoài, rất thích thú với những khám phá mới về cuộc sống, phong tục của người dân nơi đây. Những daỹ hàng thổ cẩm trông thật vui mắt, áo váy với những mầu sắc rực rỡ và cả những chiếc gùi bằng mây thật duyên dáng.
Đối với đàn ông vùng cao thì chợ cũng là nơi để một tuần họ có thể gặp gỡ cùng uống rượu bên chảo thắng cố. Thắng cố không lúc nào vơi trong chảo cũng như rượu không lúc nào cạn trong bình. Rượu đặc sản của người Mông bản Phố, được nhiều người biết đến bởi độ nặng và vị gắt rất đặc trưng.
Ảnh: Minh Phương |
Lác đác trong phiên chợ, vài cô gái người Mông mặc váy xòe xanh đỏ bình thản dắt ngựa, trên lưng ngựa ngất ngưởng một người đàn ông say khướt đi về cuối nẻo cao.
Thật khó trả lời khi ai đó hỏi, Bắc Hà có gì? hoặc hẹn với ai đó mang quà Bắc Hà về. Bắc Hà có mây, có sương, có nắng, có gió, có lạnh, có những tâm trạng không thể đặt tên. Mỗi khoảnh khắc Bắc Hà lại đẹp theo một vẻ rất riêng và tùy theo cảm nhận của mỗi người.
Ai đã đến Bắc Hà không thể quên câu hát: “Đất Bắc Hà núi non xanh biếc, người Bắc Hà như chén rượu nồng say”. Rượu ở đây nấu thuần một loại ngô địa phương. Ngô được gieo trồng trên núi đá. Tuy năng suất không cao, nhưng bù lại, hạt mềm, bùi, giàu dinh dưỡng. Khi bung ủ kỹ với men được chế từ hạt cây Hồng my, một loại biệt dược không phổ biến của người H”Mông, rồi chưng cất lên, sẽ thành rượu lừng danh riêng có.
Điều quan trọng hơn nữa là rượu Bắc Hà chỉ ngon khi được nấu bằng nguồn nước của Bản Phố. Chính vì vậy, người Bản Phố không bao giờ sợ bị nơi khác làm giả rượu. Đến chợ Bắc Hà, du khách có thể gặp ngay những người dân Bản Phố mang rượu ra bán. Không thể lẫn với một loại rượu nào, chỉ cần mở nút chai, nút can là biết ngay rượu Bắc Hà, nếu rây vào quần áo, hương rượu còn thơm mãi.
Trong ngày tết, nhấp một ly rượu Bắc Hà, lòng lâng lâng say. Nhưng say hơn nữa vẫn là say cảnh, say tình, cái say phải kể đến cả hương cốm Bắc Hà. Những ngày này đi chơi chợ Tết , bất cứ nơi đâu cũng bắt gặp những cô gái, những phụ nữ Mông, Dao, Thái, Tày ngồi bên thúng cốm xanh thơm ngát mời gọi.
Cốm được làm từ thóc nếp non sau khi thu hoạch về có thể luộc hoặc rang vừa chín tới, sau đó để nguội rồi đem giã, sàng sẩy để loại bớt vỏ trấu rồi đem bỏ vào cối giã, tiếp sau đó đem đồ lên ăn có vị dẻo và thơm. Để có được những mẻ cốm màu xanh, thơm, ngọt đượm và dẻo theo phương pháp truyền thống cũng khá kỳ công, những cụ già làng trưởng bản người Tày còn nhớ rất rõ cách làm cốm này.
Đặc biệt lúa nếp nương trồng ở nương đồi núi cách xa khu ruộng trồng lúa tẻ là loại lúa nếp làm cốm thơm ngon nhất. Người dân thường gặt lúa nếp từ lúc “tám rưỡi”, tức lúc lúa còn non. Hạt vừa chớm mẩy và căng sữa là thời điểm thích hợp nhất để gặt lúa về làm cốm để có vị thơm, độ dẻo và ngọt. Nhón một chút cốm cho vào miệng để thấy hương vị của đất trời tan ra, say nồng nàn.
Năm tháng qua đi vẫn không làm cảnh vật của miền đất này đổi thay nhiều, vẫn còn nguyên đó những nóc nhà trình tường của người Mông nằm im lìm sau bờ rào đá, nắng sớm tràn về qua khe núi dệt thành tấm áo lưới óng mềm như tơ lụa. Cái lạnh của rẻo cao vẫn ngấm ngầm thấm vào da thịt, và tiếng khèn Mông vẫn da diết, trầm bổng dưới hiên nhà.
Ảnh: Nguyễn Công |
Cô gái người Mông với ánh mắt trong veo, quanh quẩn cả buổi bên thềm đá trước cổng chợ ngày tết như đợi chờ ai. Không có chiếc túi thổ cẩm thêu dở nào trên tay, cũng không có chiếc lục lạc nào leng keng trong nắng sớm. Một cơn gió buốt giá ào qua khoảng sân nhộn nhịp, qua mái tóc cô rồi lẻn vào hàng cây sa mộc khiến lá xào xạc mà thả những giọt sương đính cườm xuống phố.
Cô gái người Dao không nói được nhiều tiếng Kinh, chỉ có thể nói tiếng Anh “bồi”. Đứng dưới gốc hồng trơ khấc, mắt buồn xa xăm, tì vai lên bức tường đá của căn nhà khép cửa có những ô cửa sơn xanh, sơn vàng. Phía bên kia, một tốp nam thanh nữ tú quây quanh một chàng trai đang thổi khèn, chân nhảy lò cò theo một điệu khèn rộn rã.
Bắc Hà Như thế đó, giữa mùa xuân, trong cái rộn ràng như một cô nàng áo hoa rừng rực sức xuân, có những trầm mặc như một cô nàng chờ người yêu không đến.
Tạm biệt Bắc Hà với ánh mắt ai đó thiết tha như lời tự tình trong nắng Xuân, để khi xa ta mới thấy đời rất khác và tình cũng khác.
Bảo Thoa