Mạy Coong, cây nông vụ của người Tày Bắc Hà
Trong chuyến khảo sát vùng cao Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, chúng tôi vô cùng thích thú khi được tới thăm cây Mạy Coong, một cây báo hiệu mùa vụ của người Tày nơi đây.
Trên những con đường dốc gập ghềnh sỏi đá thuộc địa phận xã Bản Liền, chúng tôi ngạc nhiên khi khi bắt gặp những vùng lá đỏ chêm giữa màu xanh bạt ngàn của vùng núi rừng Tây Bắc. Đó là cây Mạy Coong. Mạy Coong mọc nhiều nhưng chỉ riêng cây ở thôn Phương Mỵ, xã Bản Liền là to đẹp nhất. Lá cây đỏ ối và rất đẹp vào độ cuối tháng Năm, đầu tháng Sáu hàng năm.
Mạy trong tiếng Tày là “cây”. Mạy Coong là cây Coong, chính là cây bồ kết rừng mà các bà, các chị người Kinh thường dùng để đun nước gội đầu. Còn đối với người Tày, khi Mạy Coong đỏ lá là báo hiệu thời điểm người nông dân chuẩn bị gieo mạ cấy lúa.
Anh Huy Trung, một người dân Bắc Hà và là cộng tác viên của Trung tâm phát triển kinh tế nông thôn (CRED) kể cho chúng tôi nghe câu chuyện thú vị về Mạy Coong. Khi Mạy Coong bắt đầu nhú lá non và chuyển sắc đỏ, người Tày trong vùng biết là họ phải chuẩn bị gieo mạ xuống giống. Thời gian để thực hiện công việc này chỉ gói gọn trong 3 tuần, trong giai đoạn lá cây vẫn đỏ. Khi lá chuyển xanh là lúc công việc gieo cấy kết thúc. Nông dân phải tiến hành việc đồng áng phù hợp với thời gian mà cây giữ màu vì nếu gieo sớm hơn hoặc muộn hơn thời gian Mạy Coong ra lá đỏ thì lúa sẽ nhiều sâu bệnh hoặc năng suất không cao.
Khi lúa chín, công việc gặt hái bắt đầu và Mạy Coong rụng lá. Khi cây rụng hết lá cũng là lúc người nông dân kết thúc mùa gặt. Lúc này, Mạy Coong trơ ra những cành khẳng khiu để rồi hứng trọn gió rét của mùa Đông và lại đợi chờ Xuân sang Hè đến để bắt đầu một kiếp luân hồi.
Mạy Coong không phải trồng mà cứ mọc tự nhiên và trở thành một loại cây thân thiết với người Tày ở Bắc Hà. Thật thú vị biết bao khi đứng dưới bóng Mạy Coong ở thôn Phương Mỵ ngắm nhìn hoàng hôn buông xuống, trải một màu hồng lên những thửa ruộng bậc thang. Quả là một thiên đường vùng Tây Bắc !
Hương Giang – Huy Phan – DTMN