Ngất ngây với món “Thắng cố Bắc Hà”

(VietTop) Đến cao nguyên trắng Bắc Hà, ngoài tham quan cảnh đẹp, bạn cũng đừng quên ghé chợ phiên thưởng thức món “thắng cố” trứ danh Tây Bắc.

Bắc Hà là một huyện của tỉnh Lào Cai, nằm ở độ cao trung bình 900m so với mặt nước biển. Nơi đây được mệnh danh là cao nguyên trắng vùng Tây Bắc, mỗi dịp xuân về, hoa mận nở trắng cả các triền đồi, triền núi, cũng như trong các vườn nhà dân.

Ngất ngây với món “Thắng cố Bắc Hà”

Thắng cố là món ăn truyền thống tại mỗi phiên chợ ở Bắc Hà (Lào Cai). (Ảnh nguồn Internet)

Thắng cố hay còn gọi là khấu tha hay thảng cố. Thắng cố được lưu truyền từ rất lâu đời từ khi người Mông, Tày, Nùng về Bắc Hà cư trú. Tuy nhiên chỉ từ khi du lịch Bắc Hà phát triển mới được nhiều du khách biết tới. Thịt nấu thắng cố theo truyền thống là thịt ngựa, về sau có thêm thịt bò, thịt trâu, thịt lợn. Thắng cố là tên gọi bắt nguồn từ tiếng Trung Quốc, thắng có nghĩa là nước canh, cố là cái chảo lớn như vậy ta có thể hiểu nôm na rằng thắng cố là món canh được nấu trong một chiếc chảo lớn.

Để chế biến được món thắng cố, các đầu bếp bản địa phải sử dụng rất nhiều loại gia vị đặc biệt của vùng cao. Cách chế biến cũng khác nhau tùy từng vùng. Như vùng Bắc Hà sẽ sử dụng nhiều gia vị, còn vùng Si Ma Cai lại dùng ít gia vị hơn. Vì vậy hương vị thắng cố của từng vùng cũng khác nhau.

Thắng cố sau khi được sơ chế thường được nấu trong những chiếc chảo rất lớn. (Ảnh nguồn Internet)

Ngày xưa cách chế biến thắng cố tương đối khác so với ngày nay. Xưa kia tất cả thịt và nội tạng ngựa được làm sạch sẽ rồi cho vào chảo luộc chín, thái vuông. Sau đó người ta cho thịt vào chảo rồi cho các loại gia vị vào. Tiết ngựa cũng được luộc chín đặt lên bên trên nồi thịt rồi cho nước xâm xấp vào hầm nhừ.

Ngày nay sau khi mổ ngựa, làm sạch sẽ, tất cả thịt và lục phủ ngũ tạng của con ngựa sẽ được ướp gia vị. Thời gian ướp khoảng 15-30 phút là được. Gia vị truyền thống để chế biến gồm muối, thảo quả, địa điền, quế, lá chanh nướng thơm, tán nhỏ. Sau khi xào chín cho nước vào hầm nhừ.

Trước khi ăn cho tiết ngựa đã luộc và thái vuông sẵn cho vào chảo đun cùng một lúc là có thể ăn được. Tuy nhiên điều khá đặc biệt khiến cho món thắng cố khá kén khách là mùi vị hơi khó chịu khi lần đầu ăn thử bởi vì nó được kết hợp bởi những gia vị rất đặc biệt của vùng cao Tây Bắc.

Từ trước tới nay có rất nhiều người nghĩ rằng thắng cố không được sạch sẽ và có mùi khó chịu là bởi lòng ngựa không được làm sạch. Tuy vậy đây là cách nghĩ sai lầm bởi vì mùi vị khó chịu của món thắng cố là do các gia vị đặc biệt khi nấu tạo nên.

Những miếng thịt được ninh nhừ thấm gia vị thật hấp dẫn…ăn một miếng rồi lại muốn ăn thêm miếng nữa. (Ảnh nguồn Internet)

Khi ăn Thắng cố người ta thường uống cùng với rượu ngô để tăng thêm hương vị cho món ăn. (Ảnh nguồn Internet)

Khi ăn thắng cố, chảo thịt vẫn đặt trên bếp đun, ăn đến đâu múc ra bát đến đó, có thể cho thêm ớt xào Bắc Hà vào để thêm vị cay. Nhấp chén rượu ngô Bản Phố cay nồng, gắp miếng thịt ngựa đã được hầm nhừ cho vào miệng, vị ngọt mềm của thịt ngựa kết hợp vị cay của ớt Bắc Hà, vị thơm ngai ngái của gia vị thắng cố sẽ tạo nên một mùi vị rất đặc trưng mà không món ăn nào có được.

Uống thêm một chén rượu ngô cho hết vị khó chịu của thắng cố bạn lại gắp thêm một miếng nữa cho vào miệng. Rất ngạc nhiên, mùi vị khó chịu của thắng cố đã tan biến. Chỉ còn lại vị ngon ngọt, mùi thơm thoang thoảng của gia vị, kết hợp vị cay nồng của rượu ngô làm cho bạn muốn ăn hoài mà không thấy chán. Nếu có dịp đến Bắc Hà bạn nên thử món ăn độc đáo này, biết đâu bạn sẽ bị nghiện món ăn này ngay từ lần thử đầu tiền.

Thắng cố không chỉ là món ăn quen thuộc và ưa thích, mà đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của người Mông Bắc Hà nói riêng và người dân miền núi nói chung. (Ảnh nguồn Internet)

Bạn cũng có thể thích