Những ‘phù thủy nón lá’ cuối cùng của Bắc Hà

Phải mất từ 2 đến 3 ngày, những bà lão người Tày ngoài 70 tuổi mới làm xong một chiếc nón từ lá cọ rừng. Sản phẩm độc đáo này làm ra đến đâu là bán hết đến đó.

 

Theo truyền thống, khi các cô gái Tày về nhà chồng thì ngoài lễ vật cưới hỏi còn có thêm chiếc nón lá. Chiếc nón thể hiện sự khéo léo của người con gái và ngụ ý ước mong cuộc sống hạnh phúc đến khi đầu bạc răng long. Thế nhưng theo thời gian, phong tục này cũng đang dần thay đổi.

Hiện nay, xã Bản Liền (Bắc Hà, Lào Cai) chỉ còn vài người biết làm nón lá cọ và đều là những bà lão trên 70 tuổi. Với độ khó và sức khoẻ của họ, phải mất từ 2 đến 3 ngày mới hoàn thành một chiếc nón. Nón lá cọ rất dẻo dai, có độ bền cao nên làm ra tới đâu là hết tới đó.

Những ‘phù thủy nón lá’ cuối cùng của Bắc Hà - Ảnh 1.

Nón lá cọ mang lại thu nhập ổn định cho các nghệ nhân. Ảnh: Huyền Nga.

Chị Dương Huyền My (Kim Sơn, Ninh Bình) từng có dịp đặt chân tới Bắc Hà và tận mắt chứng kiến những bà cụ người Tày tỉ mỉ làm nón lá. Chị My ấn tượng bởi những đường vân lá còn xanh, tạo nên màu sắc đặc biệt của chiếc nón.

“Đợt đó đi xe máy nên không mua về được, mình vẫn tiếc đến tận bây giờ. Tuy đường nét của nón lá Bản Liền không mềm mại như nón thường nhưng vẫn rất đẹp, mang đúng tinh thần mộc mạc, chất phác như người dân ở đây”, chị My chia sẻ.

Khác với nón chuông hay nón bài thơ của người Kinh được ghép từ những mảnh lá nhỏ (từ cây nón) đã được phơi và làm cho trắng muốt, nón lá người Tày ở Bản Liền được làm từ 2 tàu lá cọ nguyên bản. Người làm nón chọn lá từ những cây cọ mọc tự nhiên trên khắp núi đồi. Sau đó, lá được phơi khô trong một tuần mà vẫn giữ được sắc xanh theo từng mảng.

Cụ Lâm Thị Tánh và cụ Lâm Thị Nháng (huyện Bắc Hà, Lào Cai) đều đã ngoài 77 tuổi. Hai cụ được học làm nón lá cọ từ nhỏ, đến nay cũng đã ngót nghét vài chục năm. Dù tuổi đã cao, bàn tay khâu nón vẫn thoăn thoắt khéo léo và đôi mắt vẫn nhìn rõ đường kim mũi chỉ.

Khâu khó nhất khi làm nón là bẻ cuống sao cho 2 chiếc lá ráp khít vào nhau rồi khâu lại. Nếu như người Kinh có khung sẵn để chằm lá thì nón Bản Liền hoàn toàn phụ thuộc vào sự khéo léo của người làm. Có 2 cỡ nón: Nón thường và loại nón lớn như chiếc ô.

Những ‘phù thủy nón lá’ cuối cùng của Bắc Hà - Ảnh 2.

Cụ Lâm Thị Tánh và cụ Lâm Thị Nháng tranh thủ thời gian rảnh rỗi để làm nón lá cọ. Ảnh: Huyền Nga.

Mỗi tháng, một nghệ nhân có thể làm ra khoảng 10 chiếc nón lá cọ. Người mua nón có thể tìm đến nhà nghệ nhân hoặc tham gia phiên chợ thứ 5 hàng tuần tại Bản Liền. Nón lá nhỏ có giá 50.000 đến 80.000 đồng, nón lá cỡ lớn có giá 120.000 đồng. Thu nhập trung bình hàng tháng từ nghề làm nón dao động ở mức 600.000 đồng.

Người dân Bắc Hà dựa vào làm nông và chăn nuôi là chính, ngoài ra còn có nghề trồng chè. Việc làm nón lá cọ chủ yếu được thực hiện vào thời gian rảnh rỗi. Do đặc thù sản xuất và văn hóa vùng miền, thu nhập tiền mặt của người Bắc Hà không cao nhưng về nuôi sống gia đình thì ở mức ổn định.

Chị Thái Thị Huyền Nga (thực hiện dự án xã hội liên quan đến phát triển du lịch cộng đồng tại Bắc Hà) cho biết, việc bảo tồn nghề làm nón lá cọ tại đây còn nhiều khó khăn. Chị cho rằng: “Có cầu thì sẽ có cung, cần phát triển du lịch thiên về trải nghiệm, khám phá để thu hút khách tham quan đến với Bắc Hà. Như vậy, nón lá cọ sẽ có cơ hội được biết đến rộng rãi hơn”.

Du lịch Bắc Hà được đánh giá là tiềm năng và đang trên đà phát triển, nón lá cọ có thể làm quà lưu niệm mang giá trị bản sắc cao. Một số người trẻ tại Bản Liền đang bắt đầu học nghề làm nón lá. Tuy nhiên, họ có thể kiên trì để thành thạo và theo nghề này được hay không vẫn còn là câu hỏi chưa được trả lời.

Bạn cũng có thể thích