Thắng cố Bắc Hà – văn hóa ẩm thực của người H’Mông

Thắng cố là một món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc H’Mông. Món ăn này có lịch sử cách đây khoảng 200 năm, khi người dân tộc H’Mông về cứ trú tại Bắc Hà – Lào Cai.

Về với núi rừng Tây Bắc, có rất nhiều món ngon đặc sản làm nức lòng du khách thập phương. Trong những món ăn đó, có lẽ món ăn để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng du khách chính là món thắng cố. Tuy rằng, không phải ai cũng có thể đủ dũng cảm một lần nếm thử món ăn làm từ thịt ngựa này, nhưng hễ cứ nhắc về Tây Bắc, Sa Pa người ta không bao giờ có thể quên được tên gọi của món ăn này.

Một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất nhì thị trấn Bắc Hà phải kể đến nhà hàng thắng cố Ly Ly. Không nằm trên trục đường chính nhưng nhà hàng luôn nườm nượp khách vào ra, đặc biệt những du khách từ Hà Nội lên thì không thể bỏ qua địa chỉ ẩm thực độc đáo này

Sở dĩ món thắng cố của nhà hàng Ly Ly đặc biệt bởi vì cách chế biến. Món thắng cố truyền thống của người H’Mông được làm từ thịt ngựa. Khi nấu thì không bỏ bất cứ phần nào trên cơ thể ngựa, kể cả phần ruột già không được “sạch sẽ” cho lắm. Nhưng để phục vụ du khách thập phương nên nhà hàng thay đổi cách chế biến để phù hợp với khẩu vị của vùng miền.

Nhà hàng thắng cố ngựa Ly Ly đã có tiếng ở thị trấn Bắc Hà, khách du lịch đến đây rất đông để thưởng thức ẩm thực độc đáo của vùng Tây Bắc.
Nằm khuất nẻo so với các nhà hàng mặt đường lớn, nhưng vị ngon không thể trộn lẫn của thắng cố Ly Ly vẫn níu chân du khách.
Chủ nhà hàng cho chúng tôi biết: “Để tạo nên thương hiệu và vị ngon độc đáo của thắng cố, tôi luôn tìm tòi sáng tạo để tạo nên hương vị phù hợp cho tất cả du khách từ Bắc vào Nam”
Thắng cố được chế biến rất đơn giản nhưng để nấu ngon miệng thì vẫn cần bí quyết riêng cũng như kinh nghiệm. Người ta mổ ngựa (hoặc bò, dê, heo), làm thịt sạch sẽ, lấy tất cả nội tạng ăn được của con vật chặt ra từng miếng.
Sử dụng bếp lửa than, than phải “rực hồng”, dùng một cái chảo lớn (chảo phải cũ không được dùng chảo mới), cho tất cả các thứ như thịt thủ, thịt mông, tim, gan, lòng… vào chảo cùng lúc, xào lăn theo kiểu “mỡ ngựa rán ngựa” (dùng chính mỡ có trong thịt để xào, không thêm mỡ ở ngoài). Khi miếng thịt se se cạnh, người ta đổ nước vào chảo và cứ thế ninh sôi sùng sục hàng tiếng đồng hồ.
Để nồi nước dùng được ngon, người đầu bếp  “chăm sóc” rất chu đáo: múc từng muỗng bọt ra để nước xương thêm ngọt, thêm trong. Các bộ phận như: lòng, tim, gan, tiết, thịt, xương, được cho vào sau cùng và đun nhừ, các loại rau như: rau dớn, rau bí, đậu phụ, măng chua… ăn kèm.
Điều đặc biệt là bất kể là ai khi vào ngồi ăn thắng cố ở chợ phiên hay nhà hàng đều không thể ăn một mình. Mỗi cuộc vui đó đều có sự sẻ chia của bạn bè, người thân. Dường như cái không khí của cuộc vui đã làm nên cho món thắng cố càng trở nên có sức thu hút hơn. Thắng cố không chỉ là món ăn đặc biệt mang ý nghĩa vật chất, hấp dẫn thực khách mà nó trở thành dấu ấn gắn kết tình cảm cộng đồng và một nét văn hóa không thể thiếu của bà con vùng Tây Bắc.

Bài và ảnh : Tuyết Mai

Bạn cũng có thể thích