Theo chân đồng bào Mông, Tày Bắc Hà đi hái chè già
Ít người biết, chè Shan tuyết cổ Bắc Hà, hương vị chát đẫm của rừng già nay đã được nhiều nước châu Âu ưa chuộng và được xuất khẩu với giá của loại chè đặc biệt lên đến 250 USD mỗi kg.
Vẫn là những lá chè được bàn tay người dân tộc Mông, Tày, Dao ở Bản Liền hái về, nhưng chè Bản Liền với những cái tên nay đã trở nên nổi tiếng như Tả Củ Tỷ, Tả Van Chư, Hoàng Thu Phố, Lầu Thí Ngài đang dần chinh phục thị trường châu Âu khó tính bậc nhất thế giới.
Nói về sản phẩm chè Bản Liền của ngày hôm nay, ông Nguyễn Quốc Huy – Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà tự hào đùa: “Có thể các anh sẽ thấy bất ngờ vì chưa nơi nào đồi chè xấu như ở Bản Liền đâu nhé, nhưng sản phẩm của vùng đất này đã vươn được tới trời Âu”.
Đúng như “cảnh báo” của người tâm huyết với nông nghiệp địa phương, Bản Liền hiện ra hoàn toàn khác với hình dung thường thấy về những đồi chè hút tầm mắt.
Cách trung tâm huyện Bắc Hà gần 30 km, xã Bản Liền được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng thích hợp để phát triển cây chè. Ngay cả những người cao tuổi nhất ở Bản Liền cũng không biết cây chè Shan tuyết có ở mảnh đất này từ bao giờ. Nhiều gốc chè có tuổi đời hàng trăm năm, mọc cheo leo trên sườn núi dốc.
Giải thích về chuyện này, chị Lâm Thị Phiên (Bản Liền, Bắc Hà, Lào Cai) chia sẻ, cây chè được trồng rất lâu đời ở Bản Liền. Có thời gian, cây chè bán không ra tiền nên người dân bỏ mặc để cây tự phát triển nên cây mọc không theo hàng, theo lối, chỗ cây chết thì trống, chỗ thì lại san sát cây chè.
“Giờ sướng rồi,chè hái được không phải đi bán đâu nữa, bán luôn tại bản, có người về tận nhà mua.” – chị Phiên vui vẻ thêm.
Thành công này có được từ sự thay đổi tư duy của chính người dân địa phương. Xác định chè là cây có giá trị hàng hóa, có triển vọng nâng cao thu nhập cho người dân, nên năm 2004, huyện Bắc Hà đã thành lập Hợp tác xã Chè Bản Liền đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè cho người dân trên địa bàn. Khi hợp tác xã được thành lập, người dân đã thay đổi nhận thức và quan tâm phát triển cây chè.
Bao nhiêu cây cổ thụ là bấy nhiêu thăng trầm. Ông Phạm Quang Thận, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Chè Bản Liền vắn tắt về những khó khăn giai đoạn đầu thành lập hợp tác xã và tìm lối ra cho sản phẩm: “Từ những khó khăn ban đầu như kêu gọi người dân tham gia vào hợp tác xã, quy hoạch vùng trồng lúa, trồng chè, đến nay hơn 100 thành viên ban đầu đã phát triển lên thành hơn 300 hộ liên kết trồng chè và bán chè búp tươi cho Hợp tác xã Chè Bản Liền”. Bấy nhiêu vẫn chưa đủ để nói hết khó khăn trong giai đoạn tìm hướng tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, thương mại chè hữu cơ và thuyết phục bà con thực hiện đúng những cam kết này của những nhà quản lý.
Đến nay, để đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ, chè Bản Liền được trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến theo đúng 25 tiêu chuẩn quốc tế ngặt nghèo không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Để có thể thu hoạch được chè, người dân địa phương phải leo dần lên ngọn cây, thu hoạch về những búp chè xanh, non đúng lứa.
Nếu người dân địa phương vẫn uống lá chè tươi thì sản phẩm bán ra thị trường sẽ được sao khô theo đúng quy cách tại xưởng chế biến của Hợp tác xã Chè Bản Liền.
Từ đây, những búp chè được chứng nhận tiêu chuẩn như “Chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu; tiêu chuẩn hữu cơ Canada và Mỹ do Tổ chức IACE-Italy và ATC-Thailand chứng nhận; Chứng nhận hữu cơ thương mại bình đẳng Fairtrade Certificate… sẽ được cấp “visa” thâm nhập thị trường châu Âu.
Chè Bản Liền vẫn luôn là niềm tự hào của người dân nơi đây. Bà Lâm Thị Thín (Bản Liền, Bắc Hà, Lào Cai) móm mém kể, từ bé đã thấy bố mẹ mang chè đi Bắc Hà bán. Mỗi người mua 1 – 2 kg thì mình mới có tiền mua thức ăn, mua muối mang về. Nay bà đã ngoài 80 tuổi, vẫn có thể đi hái chè và nhìn thấy những đồi chè mới do con cháu trồng đã là một niềm hạnh phúc.
Điều đáng nói là trong quá trình vươn ra thế giới, chè Bản Liền không chỉ tạo dựng chỗ đứng vững chắc bằng các thương hiệu trà sấy, trà đen, trà trắng Tả Củ Tỷ, Tả Van Chư, Hoàng Thu Phố, Lầu Thí Ngài mà còn sản xuất cả được sản phẩm trà bánh phục vụ trong ngành mỹ phẩm.