Sinh kế mới trên cao nguyên Bắc Hà

Là một trong 3 huyện đặc biệt khó khăn của Lào Cai, Bắc Hà được thiên nhiên ban tặng những nét đẹp hoang sơ, hùng vĩ cùng với những phong tục, tập quán độc đáo của 14 dân tộc anh em. Với lợi thế này, mô hình du lịch cộng đồng (homestay) tại đây năm qua đã có bước phát triển, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, gắn với bảo tồn văn hóa bản địa.

Làm giàu từ chính ngôi nhà của mình

“Năm 2017, du lịch Bắc Hà có những chuyển biến mạnh mẽ và tăng trưởng cao, thu hút ước trên 301 nghìn lượt khách, tăng 79 nghìn lượt khách với cùng kỳ năm trước, trong đó khách nước ngoài khoảng 25%, doanh thu du lịch đạt trên 190 tỷ đồng”.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà Tạ Công Huy

Trong căn nhà sàn khang trang, anh Chu Đình Sa (thôn Na Hối Tày, xã Na Hối) đang cùng người thân dọn phòng để chuẩn bị đón khách đã đặt chỗ trước. Anh Sa cho biết, gia đình anh có 3 nhà sàn, bảo đảm phục vụ 30 khách nghỉ với mức giá từ 80.000 – 300.000 đồng/đêm. Mỗi tháng gia đình anh thu nhập gần 10 triệu đồng từ dịch vụ homestay. Cũng theo anh Sa, chi phí để làm dịch vụ này không quá lớn, bởi anh đã sử dụng chính ngôi nhà của mình để kinh doanh. Điều quan trọng làm dịch vụ homestay là nhà cửa phải sạch sẽ, tạo cho khách cảm giác an toàn, thoải mái và có nhiều cơ hội trải nghiệm cuộc sống cùng người dân; đồng thời phải biết ngoại ngữ để giao tiếp với khách nước ngoài.

Từ thành công của gia đình anh Sa, nhiều gia đình cũng đã mạnh dạn chỉnh trang nhà cửa để làm homestay. Bí thư Đảng ủy xã Na Hối Bùi Văn Vinh cho biết: Na Hối có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch homestay, đặc biệt là văn hóa độc đáo của 12 dân tộc anh em cùng sinh sống như Mông, Nùng, Tày, Dao, Phù Lá, Thái, Mường, Hoa, Dáy… ở 15 thôn, bản. Cùng với đó là cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng với những đồi mận, lê bạt ngàn đã tạo sức hút đối với du khách và là tuyến du lịch trọng điểm của toàn huyện. Mô hình homestay mang lại lợi ích kép, bởi người dân có thể tự làm giàu từ ngôi nhà của mình, phát huy được bản sắc, văn hóa của dân tộc, lại vừa có thể mở mang kiến thức, học hỏi du khách. Hiện cả xã có gần chục hộ làm dịch vụ homestay, thu nhập bình quân đạt 100 triệu đồng/năm/hộ. Xã đang phấn đấu đến năm 2020 có thêm 15 mô hình homestay mới.

Phiên chợ vùng cao ở Bắc Hà Ảnh: Anh Đức

Cùng với Na Hối, các xã Tà Chải, Bảo Nhai, Tả Van Chư… của Bắc Hà cũng phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch này. Du khách đến với Bắc Hà sẽ được khám phá nét đẹp hoang sơ, hùng vĩ của thiên nhiên, những thửa ruộng bậc thang và cả nét văn hóa độc đáo của lễ hội xuống đồng, lễ hội Đền Bắc Hà, lễ hội Say Sán, nghi lễ nhảy lửa, cấp sắc… Đặc biệt, qua chuyến du lịch, du khách được ăn, ở và sinh hoạt cùng người dân địa phương, từ đó hiểu hơn về “đất lề, quê thói”, và được đắm mình vào các tiết mục văn nghệ do những người “sáng là nông dân, tối là nghệ sĩ” biểu diễn.

Hướng tới chuyên nghiệp

Theo Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà Tạ Công Huy, mặc dù mới phát triển nhưng mô hình homestay đã được người dân địa phương đón nhận và đạt được những tín hiệu tích cực. Nếu như năm 2010, toàn huyện chỉ có vài gia đình mở dịch vụ homestay tại các xã Bảo Nhai, Tả Van Chư, thì đến năm 2017, toàn huyện đã có tới 28 gia đình mở dịch vụ lưu trú này; trong đó nhiều địa phương lần đầu tiên xuất hiện mô hình homestay như xã Nậm Khánh, Bản Liền, Thải Giàng Phố… Năm 2017, dịch vụ homestay đã thu hút khoảng 12.000 lượt khách lưu trú, chiếm 1/4 lượng khách lưu trú trong toàn huyện, tạo việc làm cho trên 200 lao động và doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng.

Mặc dù đã có bước phát triển, tuy nhiên, qua thực tế, việc phát triển mô hình homestay tại Bắc Hà vẫn còn những hạn chế, như mang tính tự phát, hoạt động chưa đi vào nền nếp; vấn đề an toàn cho du khách, mạng lưới thông tin còn nhiều bất cập. Trang thiết bị của các hộ còn sơ sài. Chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng, thiếu nhân lực có trình độ. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình muốn đầu tư, mở rộng loại hình du lịch nhưng thiếu vốn…

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế năng động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm cho người dân, Chủ tịch UBND huyện Tạ Công Huy cho biết, huyện sẽ tiếp tục khuyến khích người dân phát triển du lịch homestay; đồng thời phát triển hệ thống làng văn hóa thành làng du lịch cộng đồng với những sản phẩm đặc trưng như: Xây dựng sản phẩm du lịch chợ phiên gắn với làng du lịch cộng đồng dân tộc thiểu số Bắc Hà, làng nghề truyền thống, hang động; Xây dựng dinh Hoàng A Tưởng thành điểm tham quan du lịch “cửa ngõ” của Bắc Hà; Xây dựng mô hình chợ đêm vùng cao vào những ngày cuối tuần…

Bên cạnh đó, để loại hình này ngày càng đi vào chuyên nghiệp, huyện sẽ chú trọng giáo dục nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử cho cộng đồng địa phương, đào tạo cho họ những kỹ năng cơ bản để phục vụ khách, như cách tổ chức bữa ăn, ứng xử, và kể cả ngoại ngữ… Mục tiêu đến năm 2020, Bắc Hà sẽ có khoảng 40 cơ sở lưu trú homestay, đáp ứng nhu cầu của 100.000 lượt khách, mang lại doanh thu trên 100 tỷ đồng.

Cre by: NGUYỄN ÁNH
Bạn cũng có thể thích