Ấn tượng vũ điệu nhảy lửa của người Dao đỏ Bắc Hà
Nằm trong khuôn khổ Festival cao nguyên trắng Bắc Hà năm 2023, Lễ hội nhảy lửa của đồng bào Dao đỏ xã Nậm Đét được đông đảo Nhân dân và du khách thập phương chờ đón.
Nghệ nhân Ưu tú, thầy cúng Bàn A Ton, xã Nậm Đét chia sẻ: Theo quan niệm của người Dao đỏ, ngọn lửa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống sinh hoạt và văn hóa, tâm linh. Lửa được coi là vị thần giúp xua đuổi tà ma, bệnh tật, mang lại sự ấm áp và cuộc sống no đủ, thịnh vượng. Vì vậy, vào những dịp đầu xuân, năm mới, các bản người Dao đỏ lại tổ chức nhảy lửa. Mọi người tin rằng, khi lễ nhảy lửa diễn ra, thần lửa sẽ sưởi ấm và mang lại cho dân làng một năm mới bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Theo dân gian, tham gia nhảy lửa phải là nam giới và cơ thể phải sạch sẽ. Trước khi nhảy lửa, họ phải đun nước tắm rửa sạch sẽ. Vì vậy, nhảy lửa thường được thực hiện vào lúc tối, tức là sau khi những người tham gia đã ăn uống xong và tắm rửa sạch sẽ.
Đúng 20h, ngày 11/2, Lễ hội nhảy lửa bắt đầu với chương trình nghệ thuật đặc sắc “Xuân về trên cao nguyên”. Những tiết mục ca, múa, nhạc mang đậm âm hưởng dân gian của các dân tộc anh em quần cư nơi cao nguyên trắng Bắc Hà với những thanh âm trong trẻo, thiết tha, khiến không gian cao nguyên như càng mênh mang hơn, lòng người càng thêm ấm áp, ngọt ngào.
Chị Lâm Bích Hiến, xã Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) háo hức chia sẻ: Tôi mới chỉ được xem lễ hội nhảy lửa của một số đồng bào dân tộc thiểu số trên ti vi, cảm thấy rất độc đáo và thiêng liêng, vì là phong tục truyền thống, chứa đựng nhiều yếu tố huyền bí. Lần đầu được tận mắt xem, tôi vô cùng háo hức, chờ đợi.
Khi những lời ca cuối cùng của chương trình nghệ thuật khép lại, cũng là lúc sân khấu của lễ hội sáng rực than hồng. Buổi lễ được bắt đầu với nghi thức cúng lễ của thầy cúng xin phép thần linh, tổ tiên cho người dân được tổ chức lễ hội.
Trong phần nghi lễ, vật phẩm dâng cúng không thể thiếu các loại như: Cơm, gạo, rượu, gà luộc, nước suối, vải mộc màu trắng, hương, tiền làm bằng giấy bản, đèn hoặc nến.
Tiếp sau nghi lễ thiêng liêng, trong hồi trống giục rộn ràng, thầy cúng thực hiện nghi thức cúng gọi thần linh nhập vào các trò để tham gia nhảy lửa, xin thần linh, thần lửa ban cho các trò sức mạnh để nhảy lửa, phù hộ, che chở cho các trò không bị lửa thiêu, than đốt.
Những thanh niên tham gia nhảy lửa.
Sau khi các nghệ nhân cúng sắp hết bài thì những thanh niên tham gia nhảy lửa vào làm thủ tục bằng cách ngồi trên những chiếc ghế bên đống lửa đang cháy rực để thầy cúng làm phép “nhập tâm”.
Ở bên ngoài, người xem đứng thành những vòng rộng vừa đánh trống vừa reo hò cổ vũ. Trong khi thầy cúng niệm thần chú với nội dung nhờ các vị thần, tổ tiên phù hộ cho người chơi không bị bỏng hoặc gặp tai nạn thì những người chơi nhắm mắt, tay đặt lên đầu gối.
Khi bài cúng kết thúc, người chơi bắt đầu “nhập tâm”, cơ thể họ dần thoát khỏi thực tại và chìm vào một cõi riêng kỳ bí, càng lúc càng run rẩy và lắc lư mạnh. Sau đó họ đứng lên, chân nhảy theo nhịp cùng tiến về đống than đỏ rực. Với đôi chân trần, những thanh niên Dao đỏ nhảy vào giữa đống lửa, lấy chân gạt than ra thành một bãi rộng, dùng tay bốc đống tro than nóng bỏng văng ra xa. Họ nhảy múa trong lửa đỏ với đôi chân trần mà không có cảm giác bỏng rát hay sợ hãi. Thời gian nhảy trên lửa dài hay ngắn tùy theo “sức mạnh” mà họ được thần linh ban cho.
Vũ điệu nhảy lửa của các chàng trai Dao đỏ trên đống than rực hồng.
Hết đôi chân trần này đến đôi chân trần khác cứ vục sâu trong đống than đỏ cho đến khi than tàn hẳn mới thôi. Đó là sức mạnh, sự gan dạ, lòng dũng cảm, khéo léo, nhanh nhẹn của người đàn ông Dao đỏ.
Anh Triệu A Ú vừa thể hiện xong màn nhảy lửa của mình, khuôn mặt đỏ ửng tựa tha hồng chia sẻ: Nhảy lửa là hoạt động tín ngưỡng tâm linh nhiều ý nghĩa. Tôi và các anh em đều cảm thấy rất hạnh phúc khi được lựa chọn tham gia nhảy lửa cầu những điều tốt đẹp, hạnh phúc nhất cho mọi ngưởi, mọi nhà.
Những chàng trai tham gia Lễ hội nhảy lửa nhận được sự thán phục, ngưỡng mộ và tình cảm đầy yêu mến của những người tham dự khi mỗi màn trình diễn là tiếng trống rộn vang, tiếng hò reo cổ vũ. Em Vàng Thị Thu Trang, xã Bản Phố (huyện Bắc Hà) không giấu được niềm cảm phục: Nhìn các anh ấy nhảy vào đống than rực hồng bằng chân trần, em vô cùng ngưỡng mộ.
Được lưu giữ ngàn đời nay, nhảy lửa là nghi lễ tín ngưỡng dân gian độc đáo chứa đựng nhiều yếu tố tâm linh huyền bí. Nó không chỉ thể hiện khát vọng chế ngự thiên nhiên và mong ước về cuộc sống ấm no, làm ăn thuận lợi, đẩy lùi bệnh tật, mà còn là “sợi dây” tinh thần gắn kết cộng đồng Dao đỏ, giúp mọi người đoàn kết, gắn bó hơn để cùng nhau xây dựng bản làng ấm no.
(Theo LCĐT)