Bác sỹ trẻ tình nguyện giúp người dân địa bàn khó khăn
Là 1 trong 7 bác sỹ trẻ đầu tiên của Dự án 585 đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về các địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa, bác sỹ Nguyễn Chiến Quyết là điển hình cho trí thức trẻ tình nguyện đầy nhiệt huyết, sẵn sàng mang kiến thức, chuyên môn cống hiến, giúp người dân địa bàn còn khó khăn.
Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 2013, nhiều cơ hội công tác tại những bệnh viện lớn ngay giữa Thủ đô mở ra với bác sỹ trẻ Nguyễn Chiến Quyết vậy nhưng Quyết lại khiến gia đình, bạn bè bất ngờ khi tình nguyện đăng ký tham gia Dự án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn” của Bộ Y tế (Dự án 585).
“Quê ở Hưng Yên nhưng tuổi thơ của tôi lại gắn bó với miền núi Lào Cai nên tôi hiểu những khó khăn của đồng bào. Lớn lên, những chuyến tình nguyện ở vùng cao càng thôi thúc tôi phải làm gì đó giúp bà con bớt cực. Vốn chẳng xa lạ gì với những thiếu thốn nơi này lại là con út nên khi biết tôi tình nguyện đi, mẹ đã can ngăn vì lo tôi vất vả. Nhưng tôi vẫn quyết tâm lên đường bởi sau này, khi có gia đình hay đã có một chỗ đứng trong nghề muốn cống hiến, gắn bó với vùng cao trong vài năm cũng khó thực hiện”, bác sỹ sinh năm 1989 nói.
Sau khi được đào tạo chuyên khoa tại Bệnh viện Bạch Mai, tháng 7/2017, Nguyễn Chiến Quyết – 1 trong 7 bác sỹ trẻ đầu tiên của Dự án 585 lên Lào Cai nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà, cũng là khoảng chục năm, bệnh viện mới được tiếp nhận một bác sỹ trẻ.
Bác sỹ Nguyễn Chiến Quyết nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2019 |
“Nơi tôi công tác dù là bệnh viện huyện vùng cao nhưng bệnh nhân không hề ít. Đây là bệnh viện trung tâm, đảm nhận việc chữa bệnh không chỉ cho người dân Bắc Hà mà cả người dân các huyện xung quanh. Là bệnh viện hạng II của tỉnh nhưng đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế, tính cả cán bộ quản lý chưa tới 40 người. Mỗi khoa chỉ có một bác sỹ phụ trách chuyên môn. Bệnh viện chỉ triển khai được 59% các kỹ thuật đúng tuyến, 3% kỹ thuật vượt tuyến, còn lại là chưa thực hiện được và phải chuyển lên tuyến trên. Có những máy móc, thiết bị được trang bị mà vì thiếu nhân lực có trình độ nên hiệu quả sử dụng còn thấp. Ở bệnh viện vùng cao, các bác sĩ cùng một lúc phải thực hiện nhiều công việc khác nhau từ việc chuyên môn đến sổ sách, giấy tờ. Như tôi làm cả bác sỹ ngoại khoa rồi sản khoa, nhi khoa luôn…”, Quyết chia sẻ.
Con số hơn 900 ca mổ chấn thương, tiêu hóa, sản khoa… trong đó có các ca mổ nặng và nguy hiểm như vỡ tạng, đa chấn thương, tiền sản giật, rau bong non, cấp cứu trẻ sơ sinh có trường hợp chỉ nặng vỏn vẹn 900gram… chỉ hơn 2 năm làm việc tại đây mà bác sĩ Quyết đảm đương là minh chứng rõ nét nhất cho điều đó.
“Tôi cũng không nghĩ mình đã mổ nhiều đến vậy nhưng vì thiếu bác sĩ trong khi bệnh nhân đang chờ nên phải mổ thôi! Ngày ít thì 1-2 ca, cao điểm 8-9 ca. Có lần tôi thức trắng 2 đêm, từ thứ bảy đến sáng thứ hai để mổ. Nghĩ lại chỉ là niềm vui khi cứu được bệnh nhân kịp thời và đôi chân tê cứng vì đứng quá lâu!”, bác sỹ trẻ khiêm tốn nói.
Bác sỹ Nguyễn Chiến Quyết cho hay, công tác ở vùng cao, chuyên môn tốt là chưa đủ mà nhân viên y tế còn kiêm cả việc thuyết phục, đả thông tư tưởng cho bệnh nhân và người nhà. Sản phụ trẻ măng mới 15 tuổi khi sinh con ở nhà bất thành vào viện có biểu hiện của tiền sản giật, suy thai. Tình trạng đó là phải mổ cấp cứu ngay lập tức nhưng người nhà lại không đồng ý. Bác sỹ phải mất thời gian phân tích, thuyết phục mới cho mổ. Hay có trường hợp bệnh nhân phải tiếp máu nhưng người nhà kiên quyết không cho vì sợ chẳng may bệnh nhân qua đời sẽ mang máu của mình xuống mồ, đó là điều xui xẻo… vẫn cứ xảy ra.
Bác sỹ Quyết cho rằng, ai đó giữ thái độ ác cảm với thầy thuốc hay vấn nạn bác sỹ vòi tiền chỉ là cá biệt, cứ lên vùng cao sẽ thấy tình người trong bệnh viện thế nào. Bác sỹ sợ bệnh nhân trốn viện vì lo không có tiền đóng viện phí nên phải vận động để họ yên tâm nằm viện chữa trị. Với những ca nặng phải chuyển tuyến, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, không có bảo hiểm, y bác sĩ trong viện lại cùng quyên góp hỗ trợ. Bệnh nhân bị vỡ đa phủ tạng, không có máu, nhân viên y tế lại bảo nhau hiến máu để kịp cứu bệnh nhân. Việc cán bộ, nhân viên y tế ứng tiền nộp hộ các khoản tạm ứng khi vào viện cũng không phải là chuyện hiếm. Ai cũng sẵn lòng giúp đỡ bà con trong điều kiện của mình!
Bác sỹ Nguyễn Chiến Quyết (thứ tư từ trái qua) là 1 trong 10 gương mặt thầy thuốc trẻ tiêu biểu được tuyên dương năm 2018 |
Đóng góp của bác sĩ trẻ ở huyện nghèo không chỉ ở số lượng các ca mổ cứu người mà còn ở việc thực hiện các danh mục kỹ thuật chuyên môn cao. Ba năm qua, bằng những kiến thức được học tập và kinh nghiệm thực tế, Nguyễn Chiến Quyết đã cùng các đồng nghiệp tại bệnh viện thực hiện các kỹ thuật mới vượt tuyến như: cắt ruột thừa nội soi, khâu lỗ thủng dạ dày nội soi, cắt u nang buồng trứng nội soi, mổ thoát vị bẹn… chuyển giao các tài liệu về các kĩ thuật mổ, điều trị các bệnh ngoại khoa cơ bản; hướng dẫn các điều dưỡng, y sỹ trong khoa cách chăm sóc và theo dõi bệnh nhân hậu phẫu, bảo đảm vô khuẩn trong ngoại khoa…
Từ ngày có bác sĩ Quyết về làm việc, bệnh viện cũng như người bệnh được hưởng lợi rất nhiều, giúp giảm tải ở tuyến trên, đó là suy nghĩ chung của nhiều nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà.
Còn với bác sỹ Nguyễn Chiến Quyết, anh nghĩ thời gian công tác ở vùng cao đã cho anh rất nhiều: “Có lẽ trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất làm việc khiến tôi được rèn giũa, sáng tạo và hiểu biết nhiều hơn. Công tác ở nơi này cũng cho tôi trải nghiệm những bệnh lý mà ở nơi đô thị chắc rất hiếm gặp. Tiếng Mông, tiếng Tày của tôi cũng khá hơn hẳn qua thực tiễn công tác và những giờ rảnh rỗi đi thăm, nói chuyện với người bệnh bởi chỗ tôi ở nằm ngay trong khuôn viên bệnh viện. Nhiều người khâm phục tôi khi tôi tình nguyện lên công tác ở miền núi, còn tôi thì lại cảm thấy nể phục và thấy phải học những đồng nghiệp đã có cả cuộc đời gắn bó với nơi này. Những ngày tháng công tác ở vùng cao có lẽ sẽ là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời tôi”.
Là 1 trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu toàn quốc năm 2018 và 1 trong 10 cá nhân nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2019, bác sỹ Nguyễn Chiến Quyết cho rằng, đó là sự động viên lớn lao đối với anh. “Lúc trẻ sẽ có nhiều điều kiện cống hiến cho cộng đồng nên tôi không ngại dấn thân. Để đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân, cả nông thôn và thành thị, đồng bằng cũng như vùng cao, biên giới, tôi cũng như nhiều thầy thuốc trẻ khác sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần”, bác sỹ Nguyễn Chiến Quyết khẳng định./.