Đặc sản Bắc Hà Bánh chưng đen – món bánh cúng rằm tháng Giêng không thể thiếu của người Bắc Hà Với người dân tộc Tày, Nùng ở Bắc Hà, bánh chưng đen là lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng ngày rằm tháng Giêng. Nhìn bề ngoài, bánh chưng đen cũng gói bằng lá dong xanh nhưng không có hình vuông như bánh chưng xanh mà hình dạng tròn, dài, gần giống với bánh chưng gù. Bánh chưng đen được làm bằng gạo nếp truyền thống hạt tròn to lại vừa thơm, vừa dẻo. Màu đen của bánh được làm từ tro của cây núc nác. Cây được phơi khô, đốt thành tro và nghiền mịn. (Ảnh: FB Tuyết Mai Hoàng) Sau khi gạo ngâm nước, vo kỹ, vớt ra đem trộn với bột tro sao cho hạt gạo tròn mẩy được bao bọc bởi màu đen tro mịn. Nhân bánh được làm bằng đỗ xanh, thịt lợn, thảo quả, hạt tiêu rừng. Đỗ xanh được đãi sạch vỏ, luộc qua cho đỗ chín sơ sơ. Thịt lợn bản rửa sạch thái miếng dài khoảng 2 đốt ngon tay sau đó ướp với hạt thảo quả nướng giã nhỏ, tiêu bột. (Ảnh:@thuonghoang83) Bánh được gói bằng lá dong rừng xanh mướt. Kích thước bánh to nhỏ tùy vào từng người gói, thông thường bánh có đường kính khoảng 7cm, dài khoảng 12 đến 15cm. Dùng lạt dài cuốn quanh cho chặt rồi được nấu bằng những cây củi đượm lửa nên có hương vị thơm ngon rất đặc trưng. Điều đặc biệt là bánh chưng đen ăn không bị nóng cổ, nóng bụng như bánh chưng thường vì tro của vỏ cây núc nác đã khử mùi chua, độ nóng của gạo nếp. Mùi gạo quyện với tro đen làm cho bánh có vị thơm đặc trưng. Mỗi chiếc bánh chưng đen có độ lớn vừa phải để mỗi người có thể vừa ăn hết một chiếc. (Ảnh: @khanhin3011) Giáp Tết, trong cái rét vùng cao, được ngồi bên nồi bánh chưng sôi sùng sục khói, uống vài ba chén rượu ngô thơm nồng, ôn lại chuyện năm cũ, bàn chuyện năm mới thì vừa ấm cúng và cũng thật thú vị. (Ảnh: @acc.honghanh) Bánh chưng đen rán cũng là món ăn khiến nhiều người lưu luyến khi nhắc về mảnh đất Bắc Hà. (Ảnh: @alisshahoang) Chím / MASK Online Chia sẻ FacebookTwitterGoogle+Telegram