Hướng đi mới ở vùng cao Bắc Hà
Sau hơn 1 năm thực hiện khai thác nhựa cây thông mã vỹ cho thấy, cây trồng này mang lại nguồn thu nhập khá ổn định, giúp nhiều hộ ở Bắc Hà nâng cao thu nhập.
Cần mẫn đến từng gốc cây để thu nhựa thông, anh Vàng Văn Minh, thôn Sử Trù Chải, xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà chia sẻ với chúng tôi: Cánh rừng thông mã vỹ này được gia đình anh trồng cách đây 15 năm, thuộc Dự án trồng rừng cảnh quan và rừng phòng hộ đầu nguồn. Khi mới bắt tay vào làm, anh Minh không nghĩ thông mã vỹ sẽ mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. “Lúc đó, gia đình huy động hết nhân lực trồng 6,6 ha và chỉ nghĩ rằng, trồng thông để lấy tiền công trông coi với mức 200.000 đồng/ha/năm, chứ không nghĩ đến việc cây trồng này đem lại thêm nguồn thu khác. Đến năm 2017, khi huyện cho phép khai thác nhựa thông và trả tiền khai thác 13.000 đồng/cây/năm, tôi bán tín bán nghi, nhưng đến lúc tự khai thác nhựa, tôi mới tin là thật” – anh Minh cho biết.
Khai thác nhựa cây thông mã vỹ tại xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà.
Được biết, trong năm 2017, trong số hơn 5.000 cây thông mã vỹ, gia đình anh Minh mới khai thác nhựa hơn 2.000 cây. Sang năm 2018, gia đình anh tiếp tục khai thác thêm hơn 1.500 cây nữa. Theo tính toán, với sản lượng khai thác hiện nay, mỗi năm, số nhựa thông bán được sẽ mang lại nguồn thu gần 50 triệu đồng cho gia đình anh. Cùng với đó, gia đình tham gia khai thác nhựa thuê cho doanh nghiệp trên địa bàn với số tiền 200.000 đồng/ngày/người.
Cũng như gia đình anh Minh, hiện nay, tại các xã Bảo Nhai, Nậm Mòn và Na Hối của huyện Bắc Hà, có 34 hộ đang trực tiếp hưởng lợi từ việc khai thác nhựa thông mã vỹ trên diện tích rừng phòng hộ nhận khoanh nuôi, bảo vệ. Với tổng diện tích 52,21 ha, số lượng thông mã vỹ đang cho khai thác là 17.360 cây, trung bình sản lượng nhựa thô thu được là 1,64 kg/cây/năm. Được biết, từ khi được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép khai thác thí điểm nhựa thông mã vỹ, Công ty TNHH Thương mại Tuấn Phong (Vĩnh Phúc) đã thuê với giá 13.000 đồng/cây/năm để khai thác nhựa. Chị Nguyễn Thị Dinh, cán bộ quản lý khai thác của công ty cho biết: Hiện nay, công ty thuê thường xuyên 20 nhân công (đều là người địa phương) tham gia khai thác nhựa thông, nhiều người là chủ nhận khoán rừng cũng tham gia làm với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng. Nếu người làm nhận khoán khai thác theo số cây thì mức lương có thể cao hơn, từ 7 đến 8 triệu đồng/tháng. Theo đánh giá của các chuyên gia, cây thông mã vỹ ở Bắc Hà cho sản lượng và chất lượng nhựa không kém nhựa thông mà công ty đang khai thác tại các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Cạn. Công ty mong muốn trong thời gian tới sẽ được cấp phép mở rộng khu vực khai thác trên địa bàn huyện Bắc Hà và một số huyện khác của tỉnh Lào Cai.
Ông Trần Ngọc Giang, Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Hà nhận định: Qua thực tế cho thấy, việc khai thác nhựa thông mã vỹ tại các tỉnh như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lai Châu, Sơn La… nhiều năm qua đã mang lại thu nhập cao cho người trồng rừng. Từ lợi ích mà thông mã vỹ mang lại đã tạo động lực cho người dân gắn bó, tích cực bám sát diện tích rừng được giao khoán bảo vệ; việc xử lý thực bì được làm sạch, hạn chế nguy cơ cháy rừng. Đặc biệt, bà con nhận thức được giá trị của việc trồng thông mã vỹ, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế.
Năm 2018, huyện Bắc Hà tiếp tục trồng mới 70 ha rừng phòng hộ và từ đầu năm 2018 đến nay, đã có khoảng 70% người dân các xã đăng ký và nhận cây giống thông mã vỹ để trồng, sẽ nâng tổng diện tích thông mã vỹ lên hơn 120 ha. Trao đổi với phóng viên, ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sau khi trồng thí điểm ở huyện Bắc Hà cho thấy, cây thông mã vỹ vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa góp phần phủ xanh đồi trọc, tạo cảnh quan. Ngành nông nghiệp tỉnh đang hướng dẫn các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Sa Pa… tổ chức cho người dân trồng thông mã vỹ thay thế loại cây trồng không phù hợp. Trong tương lai, khi đã tạo được vùng nguyên liệu, tỉnh sẽ có định hướng xây dựng khu sơ chế, chế biến nhựa thông để cung ứng ra thị trường, bởi nhựa thông là một thành phần không thể thiếu trong lĩnh vực công nghiệp điện tử không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới. Năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với huyện Mường Khương tổ chức 2 đoàn sang tham quan và học tập kinh nghiệm trồng, khai thác nhựa thông ở Bắc Hà để triển khai trong thời gian tới.
Có thể nói, cây thông mã vỹ đang mở ra hướng đi mới trong trồng rừng sản xuất cho không chỉ người dân các xã của huyện Bắc Hà mà còn ở nhiều địa phương khác, giúp bà con vùng cao thêm bám đất, giữ rừng để làm giàu.