Sức hút của du lịch vùng cao Bắc Hà

Nằm ở độ cao trên ngàn mét so với mực nước biển, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai là vùng đất có cảnh sắc, hương hoa của miền ôn đới. Vào mùa xuân, Bắc Hà trắng cả trời hoa mận Tam Hoa, đến khoảng tháng 6 là lúc mận chín. Bắc Hà cũng là vùng đất sinh sống của đồng bào dân tộc Mông, Tày, Dao, Phù Lá… với nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo. Đây là những yếu tố giúp Bắc Hà thu hút đông du khách trong và ngoài nước.

Kiến trúc dinh thự cổ của dinh Hoàng A Tưởng. Ảnh: Phạm Ngọc Bằng
Kiến trúc dinh thự cổ của dinh Hoàng A Tưởng. Ảnh: Phạm Ngọc Bằng

HẤP DẪN LÀNG DU LỊCH CỘNG ĐỒNG

Vẻ đẹp của phong cảnh núi non, những ngôi nhà sàn đơn sơ khiến mỗi khi du khách đặt chân đến với những bản làng ở các xã Tà Chải, Na Hối, Thải Giàng Phố, Bản Phố, Bảo Nhai đều cảm nhận được cuộc sống thanh bình, ấm áp của đồng bào dân tộc vùng cao Bắc Hà.

Cách thị trấn Bắc Hà khoảng 1km, xã Na Hối là điểm đến hấp dẫn bởi xung quanh các thôn, bản ở Na Hối như một bức tranh sơn dầu lớn được tạo nên bởi màu xanh của nương lúa, ngô (bắp) và núi rừng cùng nhiều ngôi nhà sàn gỗ vẫn giữ vẻ nguyên sơ phủ màu thời gian hay bạt ngàn cây mận. Đi trên con đường uốn lượn dọc triền núi xung quanh bản, du khách cảm nhận được cuộc sống yên bình nơi núi rừng và tìm hiểu những phong tục, tập quán cùng đời sống thường nhật của người dân nơi đây.

Không chỉ được khám phá nét văn hóa đặc sắc, du khách đến Na Hối còn được thưởng thức nhiều món ăn do chính người dân bản địa làm ra. Những món ăn là sản vật của núi rừng bằng nguyên liệu tự trồng trọt, chăn nuôi như xôi nếp nương, gà bản, măng đắng, rượu ngô bản phố…

Chưng cất rượu ngô Bản Phố. Ảnh: Phạm Gia Chiến
Chưng cất rượu ngô Bản Phố. Ảnh: Phạm Gia Chiến

Nằm ngay cạnh thị trấn Bắc Hà, xã Tả Chải có 9 thôn, bản. Người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày. Đến làng du lịch cộng đồng Tà Chải, du khách có thể lựa chọn ở những homestay (loại hình lưu trú tại nhà dân địa phương) mang đậm nét văn hóa truyền thống, tham gia sinh hoạt hàng ngày cùng dân bản, chiêm ngưỡng điệu múa xòe (the) độc đáo của đồng bào dân tộc Tày.

NHIỀU NÉT VĂN HÓA ĐẶC SẮC

Cùng với cảnh sắc nên thơ, Bắc Hà còn nổi tiếng với những sắc màu văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo. Điểm đến không thể bỏ qua khi đến Bắc Hà là Dinh Hoàng A Tưởng giữa trung tâm thị trấn. Dinh Hoàng A Tưởng được xây dựng từ năm 1921, theo lối kiến trúc Á – Âu, với bố cục hình chữ nhật liên hoàn khép kín. Ngoài ra, Bắc Hà có đền Trung Đô nằm ở nơi tiếp giáp giữa núi và sông, lưng dựa vào núi đá cao và hiểm trở, nhiều cây cổ thụ, mặt nhìn ra sông Chảy hướng về Nam. Ngôi đền trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách thập phương với tuyến du lịch Cốc Ly – sông Chảy – đền Trung Đô – Bắc Hà.

Hàng năm, đã thành thông lệ, khi đất trời vào hạ, mận Tam Hoa chín đỏ ngoài vườn cũng là lúc diễn ra giải đua ngựa thồ truyền thống Bắc Hà. Đây là một cuộc thi độc đáo của trai tráng vùng cao – vốn là những người nông dân ở các bản làng. Cũng chính bới tính chất “không chuyên nghiệp” nên giải đua ngựa truyền thống này lại thu hút rất đông du khách đến với Bắc Hà.

Mùa thu hoạch mận Tam Hoa. Ảnh: Phạm Gia Chiến
Mùa thu hoạch mận Tam Hoa. Ảnh: Phạm Gia Chiến

Nhắc tới Bắc Hà còn phải kể đến chợ văn hóa được họp theo phiên vào chủ nhật hàng tuần. Cùng với chức năng giao thương, trao đổi mua bán hàng hóa, chợ Bắc Hà còn là nơi giao lưu tâm tình, hẹn hò, kết bạn, thăm hỏi, chuyện trò. Phiên chợ nào cũng đầy màu sắc thổ cẩm, phụ nữ Mông, Tày, Nùng, Phù Lá váy áo xúng xính, khăn đội đầu duyên dáng, vòng cổ, hoa tai leng keng tiếng bạc tạo nên những sắc màu không thể trộn lẫn của một phiên chợ vùng cao Tây Bắc.

Sau khi dạo một vòng quanh để chụp ảnh, bạn có thể sà vào một hàng ăn nào đó thưởng thức tô phở chua, xá xíu nóng do chủ hàng tự tay tráng bánh phở từ nguyên liệu gạo địa phương “Khâu nậm xít” đặc biệt thơm ngon mà không nơi nào có được. Du khách cũng có thể vui vẻ bên nồi thắng cố nóng hổi cùng với chén rượu ngô Bản Phố nổi tiếng được nấu bằng hạt ngô vàng địa phương và men lá cây hồng mi.

LINH TRẦN
(Theo dantocmiennui.vn)

Bạn cũng có thể thích