Trồng chè xóa nghèo ở xã vùng sâu Bản Liền
Nhờ chuyển đổi từ trồng ngô, sắn sang trồng chè hữu cơ, đồng bào dân tộc Tày ở xã vùng sâu Bản Liền, huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã có nguồn thu nhập khá, có việc làm ổn định, đẩy nhanh xóa nghèo và vươn lên làm giàu. Với chất lượng và hương thơm tự nhiên, sản phẩm chè Bản Liền tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường và được xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Trồng chè cho thu nhập cao
Xã Bản Liền vào cuối vụ thu hoạch chè, nhà nào cũng phấn khởi vì chè được mùa, được giá. Người dân thu hái đến đâu bán hết ngay đến đó, với giá 15 nghìn đồng/kg búp tươi. Phó Bí thư Ðảng ủy xã Trần Ngọc Phú cho biết, hiện tại xã có gần 500 ha chè thuần giống Tuyết San. Ðây là thế mạnh của địa phương mà không nơi nào ở Lào Cai có được. Chè Tuyết San ở Bản Liền được trồng cách đây hàng trăm năm, nhờ độ cao và khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho nên có chất lượng cao, chè pha được nước, màu nước xanh đẹp, vị ngọt hậu và hương thơm tự nhiên, được người tiêu dùng ưa chuộng. Khai thác lợi thế đó, huyện Bắc Hà và chính quyền xã Bản Liền quy hoạch vùng trồng chè và xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp để giúp người dân trồng chè Tuyết San, đưa cây chè thành mũi nhọn kinh tế nông nghiệp, tạo nguồn thu nhập cao hơn và bền vững.
Toàn xã Bản Liền có bảy thôn, với hơn 300 hộ trồng chè Tuyết San. Hộ ít có 0,5 ha, hộ nhiều có từ ba đến bốn ha chè đang cho thu hoạch. Dừng tay thoăn thoắt hái búp chè xanh mơn mởn, chị Vàng Thị Liềng, ở thôn Ðội 3 hào hứng: “Nhà mình có hơn hai ha chè, trồng cách đây gần mười năm, đang cho thu hoạch. Vụ chè xuân và chè thu năm nay, gia đình thu hái búp tươi, bán cho Hợp tác xã (HTX) chè hữu cơ Bản Liền có dây chuyền chế biến đặt ngay tại xã, thu được khoảng 70 triệu đồng. Chè được mùa, được giá cho nên người trồng chè rất phấn khởi”. Rất nhiều hộ ở Bản Liền thoát nghèo và đang làm giàu từ chuyển đổi sang trồng chè Tuyết San, làm chè hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP để bán cho HTX chè hữu cơ Bản Liền. Có thể kể đến gia đình ông Vàng A Vận ở Ðội 3, ông Lâm A Thướng ở Ðội 2…, nhờ tiền bán chè, mỗi năm thu về từ 60 đến 80 triệu đồng, nhờ vậy cuộc sống ngày càng được nâng cao, có tích lũy làm giàu. Khá nhất xã Bản Liền là hộ ông Vàng A Dựng, với 15 ha chè thuần chủng giống Tuyết San. Do chăm bón tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, thu hoạch đúng kỹ thuật, hằng năm gia đình ông thu được khoảng từ 300 đến 400 triệu đồng. Từ đó, ông Dựng còn hỗ trợ bà con giống cây, hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều hộ khác. Ðến thôn Ðội 2, chúng tôi gặp chị Lâm Thị Huệ, nhờ trồng chè đã thoát nghèo được hai năm nay, hiện tại có việc làm và thu nhập ổn định, cuộc sống đang khá lên. Chị Huệ cho biết, trước đây có ít ruộng, vườn, chỉ biết cấy lúa và trồng ngô, cuộc sống bấp bênh vì phụ thuộc vào thời tiết thất thường. Ðược Nhà nước hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, chị Huệ chuyển đổi diện tích đồi nương sang trồng chè. Giống chè chiết cành lên nhanh, sinh trưởng tốt, sau ba năm cho thu hoạch, sản lượng tăng dần, gia đình có nguồn thu nhập đều đặn.
Bí thư Ðảng ủy xã Bản Liền Vàng A Dương chia sẻ: Cái được lớn nhất nhờ chuyển đổi trồng chè là tạo việc làm, có nguồn thu nhập ổn định, do đó con em trong xã Bản Liền gắn bó với gia đình, làng bản, không bỏ đi nơi khác làm thuê. Cây chè vừa mang lại nguồn thu nhập ổn định, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, giữ gìn nguồn nước sinh thủy và bảo vệ môi trường hiệu quả.
Giữ thương hiệu chè Bản Liền
Xây dựng được vùng chè rộng lớn mang tính hàng hóa đã khó, sản xuất ra chè sạch, mở rộng thị trường và giữ được thương hiệu chè hữu cơ Bản Liền càng khó hơn, bởi vùng sản xuất chè nguyên liệu gồm hàng trăm hộ dân, phân tán trên diện tích rộng là đồi núi, không dễ kiểm soát. Huyện Bắc Hà và chính quyền xã kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX chè hữu cơ Bản Liền xây dựng nhà máy sản xuất chè hữu cơ ngay trên địa bàn xã với công suất sáu tấn chè búp tươi/ngày.
HTX liên kết với 310 hộ đồng bào dân tộc Tày, Mông ở địa phương trồng và thu hoạch chè hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm không sử dụng hóa chất để diệt cỏ và trừ sâu, không dùng thuốc kích thích sinh trưởng để tăng khối lượng sản phẩm búp tươi. Ðể làm được điều này, người dân trong xã tự nguyện phân chia thành các nhóm hộ sản xuất dựa theo địa bàn cư trú hoặc các nương, vườn chè ở gần nhau. Mỗi nhóm sản xuất tự nguyện như vậy bầu ra một nhóm trưởng, chịu trách nhiệm liên kết và quản lý các nhóm viên thực hiện sản xuất theo quy chuẩn đề ra. Trường hợp một hộ nào đó trong nhóm vi phạm cam kết quy trình sản xuất chè hữu cơ, không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, sẽ bị nhóm đề nghị HTX không thu mua sản phẩm trong ba tháng liền, để chủ hộ khắc phục hậu quả, rút kinh nghiệm và tuân thủ các quy định về sản xuất chè sạch, không làm ảnh hưởng đến nhóm và HTX.
Chúng tôi được Giám đốc HTX chè hữu cơ Bản Liền Phạm Quang Thận cho xem từng “sổ liên lạc” (sổ mã số ICS), trong đó ghi rõ họ tên, địa chỉ cư trú, bản đồ kèm diện tích nương vườn chè, tọa độ chụp từ trên cao bằng thiết bị chuyên dụng, nhật ký tình hình sản xuất của gia hộ. “Chi tiết và kỹ càng như thế nên chỉ cần trích xuất tem nhãn dán trên sản phẩm là biết chính xác nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm đưa ra thị trường”, ông Phạm Quang Thận cho biết. Khi giá chè trên thị trường biến động theo hướng giảm, thì HTX vẫn “chịu lỗ” để duy trì giá mua chè búp tươi cho người dân theo mức giá đã cam kết trong thời hạn một năm, sau đó mới thương lượng với hộ trồng chè.
Gắn lợi ích của doanh nghiệp với người nông dân, tuân thủ cam kết, thực hiện chặt chẽ quy trình sản xuất là những lý do giúp sản phẩm chè hữu cơ mang thương hiệu Bản Liền được khách hàng ưa chuộng và tin dùng, ngày càng mở rộng thị trường xuất khẩu. Với hơn 500 ha chè Tuyết San, hằng năm HTX chè Bản Liền xuất khẩu khoảng 140 tấn chè đã qua chế biến sâu, trong đó có 90 tấn chè hữu cơ tới các nước ở châu Âu như Pháp, Ðức, Hà Lan… Mới đây, HTX sản xuất thêm sản phẩm chè Hồng Ðào có chất lượng cao, loại bỏ tia cực tím để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, với giá cao hơn, đang mở ra hướng đi mới cho người trồng chè nơi đây.