Cuộc sống mới của người dân vùng trồng cát cánh chuẩn quốc tế
Thoăn thoắt chỉnh lại tấm nylon mới căng trên luống cát cánh vừa gieo, anh Giàng Seo Ly (Bắc Hà, Lào Cai) hồ hởi khoe: “Tết này no ấm, 2 con có áo mới, tôi có tiền gửi tiết kiệm”.
Vốn chỉ trồng lúa, ngô lấy thức ăn và chăn nuôi gia súc, thu nhập chẳng đáng là bao, nhưng nay cuộc sống của vợ chồng anh Giàng Seo Ly (dân tộc Mông, xã Tả Van Chư, Bắc Hà, Lào Cai) có nhiều đổi khác. “Lần đầu tiên chúng tôi có nguồn thu vài chục triệu từ đất nương nhà mình. Vui lắm”, anh Seo Ly cười phấn khởi.
Anh cho biết vì nghèo khó, thanh niên trong thôn anh nhiều người bỏ sang Trung Quốc làm gỗ, làm vườn thuê. “Tính tôi nhát, chẳng dám đi vì sợ bị người ta bắt nên cứ quanh quẩn ở nhà dù nuôi hai con, đứa 5 tuổi, đứa 4 tuổi, cũng thiếu lắm”, người đàn ông 32 tuổi bộc bạch.
Vùng trồng cát cánh đạt chuẩn GACP-WHO của Nam Dược mùa hoa nở tím biếc giữa tháng 6-7. |
Đầu năm 2018, khi mới tham gia dự án phát triển vùng trồng cát cánh theo tiêu chuẩn GACP-WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới) cho công ty Nam Dược, anh cũng có chút lo lắng vì chưa từng trồng loại cây này. Dần dần, qua các buổi tập huấn, chỉ dẫn tận tình của các cán bộ khuyến nông xã và cán bộ Biotrade – dự án phát triển dược liệu sạch của Liên minh châu Âu, anh đã tự tin trong mọi khâu trồng, chăm sóc, thu hái…
“Trồng cái này vừa dễ, vừa khó. Dễ vì có hướng dẫn cụ thể, khi nào bón phân, làm cỏ, lúc nào thu, thu như thế nào… Khó là phải tuân thủ theo đúng quy trình, không được tự tiện sử dụng bất cứ loại phân, hóa chất gì. Phun thuốc là cấm tiệt”, anh Seo Ly nói.
Gia đình anh Giàng Seo Ly là một trong nhiều hộ dân tại địa phương tham gia trồng dược liệu và đã thoát nghèo. Mô hình này đang được nhân rộng ở nhiều xã tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
Ông Ma Xua Nam bên cánh đồng cát cánh chuẩn bị thu hoạch củ. |
Ông Ma Xua Nam – cán bộ Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Bắc Hà, cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 80 hộ dân trồng cát cánh, ở các xã Lùng Phình, Tả Van Chư… với tổng diện tích 14 ha. Khí hậu Bắc Hà có 4 mùa rõ rệt, nhất là mùa đông lạnh ẩm nên phù hợp với điều kiện sinh thái của cây. Các xã vùng cao của huyện có độ cao từ 1.000 đến 1.500 m so với mực nước biển, tầng đất dày và nhiều mùn nên cây sinh trưởng tốt, cho hoạt chất cao, ổn định.
Theo ông Nam, cuộc sống của người dân có nhiều thay đổi so với trước đây, do giá bán cát cánh cao hơn các loại cây dược liệu khác vì loại cây này không chỉ cho thu hoạch củ mà còn cả hạt để làm giống. Qua hạch toán, sau khi trừ chi phí sản xuất, mỗi ha trồng cát cánh cho thu nhập trên 60 triệu đồng.
Để đồng bào có thể trồng cát cánh đạt chuẩn GACP-WHO, hàng năm, cán bộ kỹ thuật của Nam Dược, cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà và chuyên gia Biotrade đều tổ chức tập huấn cho bà con kỹ thuật sản xuất cây dược liệu và nguyên tắc trồng trọt.
Người dân Bắc Hà được hướng dẫn cụ thể quy trình trồng, chăm sóc theo đúng hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới. |
Cát cánh là cây thuốc quý chữa ho, tiêu đờm nhưng chưa được nhiều người biết tới tại Việt Nam. Cuốn “Cây thuốc và động vật làm thuốc” của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, ghi: Cát cánh phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm Đông – Bắc Á, gồm Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên. Cây được trồng lâu đời ở Trung Quốc và được nhập vào nước ta khoảng 40 năm gần đây. Trên lâm sàng, chất saponin của cát cánh có tác dụng tiêu đờm rõ rệt. Rễ cát cánh có tác dụng giảm đau, hạ nhiệt, giảm ho và khử đờm, chống loét và chống viêm.
Nam Dược là một trong những doanh nghiệp tiên phong xây dựng vùng trồng cát cánh tại nước ta, để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất siro ho cảm – sản phẩm giúp giảm ho, tiêu đờm, giải cảm cho trẻ em.
Tiến sĩ dược học Hoàng Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nam Dược cho biết: “Để có sản phẩm hiệu quả và an toàn tuyệt đối cho trẻ, chúng tôi quyết tâm đầu tư vùng trồng dược liệu sạch đạt tiêu chuẩn cao nhất của thế giới là GACP-WHO, dù biết sẽ gặp nhiều thách thức”.
Vùng cát cánh ở Bắc Hà, Lào Cai của Nam Dược được xây dựng đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. Mô hình canh tác này được sự hỗ trợ và giám sát kỹ thuật bởi BioTrade – dự án phát triển dược liệu sạch do Liên minh châu Âu tài trợ và chính thức được cấp chứng nhận đạt chuẩn tháng 9/2018.