Cú huých từ Covid-19
Hương, chủ hai homestay ở Bắc Hà và Sa Pa (Lào Cai) thở dài nhẩm tính, từ đầu năm tới giờ, khách tới Bắc Hà thì ổn định nhưng tới Sa Pa thì vắng lắm: “Cứ đà này khéo mình phải đóng cửa một nhà mất”. Nhưng bù lại, cô chủ trẻ lại lạc quan về “cơ hội” mà đại dịch mang tới.
Mùa hoa bị bỏ lỡ
Cứ như trêu người, cuối Tết đầu âm lịch, cao nguyên trắng Bắc Hà đón một mùa hoa kéo dài và được xem như rực rỡ nhất từ trước tới nay. Cuối tháng Chạp có hoa mai anh đào ở công viên Na Cồ, tháng Giêng mùa mận tam hoa trắng trời, tháng 2 mùa mận tím địa phương, tháng 3 có hoa lê, bây giờ lại có thêm cánh đồng tam giác mạch, rồi hoa trẩu trắng mạn Si Ma Cai. Thế nhưng các lễ hội đều gác lại, ngay đợt bùng dịch thứ 3, đa phần khách đều báo hủy phòng nhà Hương. Vậy là những mùa hoa cứ trôi dần đi theo những ca bệnh tăng lên.
Bài toán của một cô gái trẻ khởi nghiệp từ kinh doanh dịch vụ lưu trú như Hương, từ hơn một năm nay, đều xoay quanh chuyện bù lỗ: “Mỗi tháng mở mắt ra là tiền điện, tiền nước, tiền trả nhân viên, trong khi lượng khách chưa thể nào tăng lại. Chỉ một năm trước, khi du lịch vẫn là con át chủ bài ở Lào Cai, Hương nắm trong tay tới năm cơ sở, thậm chí thường xuyên phải từ chối bớt khách vào cuối tuần”. Bây giờ cuối tuần khách vẫn có, nhưng trong tuần thì đìu hiu”. Đó là điều dễ hiểu bởi khách trong tuần chủ yếu là khách nước ngoài, tới Việt Nam trong những chuyến du lịch dài ngày. Còn bây giờ Hương trông chờ vào lượng khách nội địa, đặc biệt là các gia đình muốn trải nghiệm đời sống văn hóa và gần gũi thiên nhiên nơi vùng cao Tây Bắc.
Một phía khác, trên một homestay nhỏ ở trung tâm TP Lạng Sơn, cô chủ nhỏ tên Vân đang đau đầu để xoay chuyển nguồn khách. Khách nước ngoài chủ yếu chọn Lạng Sơn làm nơi trung chuyển trong chuyến đi tới Cao Bằng, Thái Nguyên và cũng đa phần là khách ba-lô nước ngoài chi tiêu không quá xông xênh. Nhưng chiến lược chọn phân khúc khách này đã từng mang lại cho Vân hiệu quả. Homestay của cô được đánh giá khá cao trên Booking.com, lại nằm ở vị trí trung tâm thuận tiện đi lại. Có điều, bây giờ, mọi thứ với cô đều dường như trở về vạch xuất phát. “Khách hiện tại tới đây chủ yếu khách trong miền nam, họ không mấy mặn mà với những dịch vụ homestay vẫn cung cấp, làm sao để có thêm khách và giữ thêm khách thì quả thật em chưa nghĩ ra phương án tối ưu”, Vân cười.
Bản du lịch cộng đồng Khuổi Khon (Bảo Lạc, Cao Bằng), giữa mùa hoa trẩu tháng 3 rực rỡ im ắng lạ thường. Trước khi Covid-19 diễn ra, đây là lựa chọn của nhiều công ty lữ hành để đưa khách nước ngoài tới trải nghiệm đời sống văn hóa người Lô Lô đen. Mặc dù đường vào khó khăn, điện cũng mới về bản tầm hai năm, nhưng lại có sức hút đặc biệt với khách châu Âu. Có hai homestay sống hoàn toàn dựa vào khách từ một công ty lữ hành, bởi vậy nên mọi thứ cũng ngưng trệ luôn sau hơn một năm Covid-19. Chỉ còn một homestay hoạt động với khung cảnh nhìn ra ruộng bậc thang hiếm có. Cô chủ tên Thuyết nói bây giờ cứ túc tắc nhận khách mà thôi. Mặc dù Khuổi Khon là làng người Lô Lô đen trên đất Việt Nam hiếm hoi còn giữ gìn nhiều nét văn hóa truyền thống, một tài nguyên nổi bật đối với người làm du lịch.
Cơ hội nhìn thấy
Không nói về những cơ sở lưu trú lớn, những doanh nghiệp nhỏ lẻ kinh doanh kiểu homestay đang bắt buộc phải chuyển đổi. Hương không bi quan với du lịch Bắc Hà. Fanpage về du lịch Bắc Hà lặng lẽ từng ngày phát triển. Và dường như chính những mùa hoa rực rỡ đã hút du khách tới nhiều hơn. “Nếu không có Covid, có lẽ Bắc Hà vẫn cứ mãi phụ thuộc vào lượng khách các công ty đưa đến, khó mà tự vận động tìm khách như bây giờ”, Hương bày tỏ. Trong một lớp tập huấn của một tổ chức phi chính phủ cho đội ngũ xe máy chở khách Bắc Hà, người hướng dẫn thẳng thắn: “Hãy tạm quên dựa vào khách quốc tế trong ít nhất hai năm tới đi”. Rõ ràng, khi bắt buộc phải chuyển mình, Bắc Hà tỏ ra rất thích hợp với loại hình du lịch staycation (kỳ nghỉ tại chỗ) – một kiểu du lịch đang dần thịnh hành sau những ngày giãn cách. “Ở Sa Pa cạnh tranh quá cao, trong khi Bắc Hà vẫn còn nhiều tiềm năng, nên Covid lại mở ra một cơ hội mới cho du lịch ở đây”, Hương nói. Những người làm du lịch Bắc Hà, đang thật sự phải nghiêm túc ngồi với nhau để tìm đường ra, thay vì chỉ chờ đợi Covid-19 qua đi.
Nhìn tích cực, thì Covid-19 lại mang tới một cơ hội chuyển mình khá rõ rệt cho những cơ sở lưu trú tầm trung và bình dân. Thay vì những homestay chỉ nhắm vào những khách lẻ là du lịch Tây ba-lô, mức chi tiêu không đáng kể, việc chuyển sang khách Việt cũng khiến những người như Hương, như Thuyết khám phá được nhiều hơn về chính nơi mình đang sống. Hương thừa nhận bởi phải tìm thêm điểm đến để hút khách về homestay của mình, cô chịu khó tìm hiểu các điểm đến hơn. Nếu như trước kia Bắc Hà là điểm dừng chân hai ngày một đêm với các điểm đến ở trung tâm như dinh Hoàng A Tưởng, Bản Phố, chợ phiên Bắc Hà thì bây giờ, những người làm du lịch Bắc Hà đã dần hình thành các tour dài ngày, đi xe máy hoặc đi ô-tô, ngắm hoa, giao lưu với người bản địa, mở rộng giới thiệu những phiên chợ truyền thống, vùng hoạt động kéo dài từ trung tâm thị trấn tới Sín Chéng, Lũng Thầu, Lử Thần, rồi tới cả Si Ma Cai… “Bắc Hà vẫn còn nhiều nét đặc sắc văn hóa, mình có thể phát triển được”, Hương hào hứng. Cô nói nhóm làm du lịch ở Bắc Hà đang ấp ủ về một chiến lược có thể phát triển thương hiệu cao nguyên trắng, đang tìm kiếm một slogan đặc sắc. Mặc dù ở tư cách một người đang sống tại ngôi làng văn hóa du lịch cộng đồng Na Lo – ngôi làng trọng điểm du lịch của huyện, Hương vẫn băn khoăn bởi tốc độ hiện đại hóa ngày càng nhanh của những ngôi nhà.
Cũng như Hương, Thuyết coi Covid là một điểm lùi cần thiết để hai vợ chồng tái kiến thiết lại homestay của mình. Đầu tiên là làm một khu chụp ảnh check-in tách riêng khỏi khu nhà ở, lên một tour tìm hiểu bản địa trong ngày. Thuyết nói rằng dự định thì nhiều, nhưng vướng mắc cũng nhiều, nhất là khi bây giờ gần như chỉ còn nhà Thuyết “độc hành”.
Vân cũng bảo đang phải tính tới các tour cắm trại, những điểm đến gần thành phố như Bắc Sơn, Hữu Lũng – những nơi mà khách du lịch vẫn ổn định bất chấp đại dịch. Khách cũng trẻ hơn và cô có thể phân chia các phân khúc khách.
Thời điểm này, người dân bắt đầu rục rịch cho những kỳ nghỉ dài ngày. Thành bại của những doanh nghiệp như Hương, như Thuyết, nằm cả trong vài tháng tới. Vẫn đau đầu bởi bài toán cân đối cho cả hai homestay, nhưng Hương nói vẫn đang cố gắng được. Ở Bắc Hà đã có thêm nhiều điểm mới, như một đồi hoa tam giác mạch mới trên thảo nguyên Ngải Thầu. Ngải Thầu cũng là điểm ngắm hoàng hôn mà những người làm du lịch Bắc Hà mới khám phá vài năm trở lại đây, một nơi rộng rãi để ngắm mặt trời lặn, biển mây hay cắm trại.