Lễ hội đua ngựa Bắc Hà: Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Không chỉ nổi tiếng với phong cảnh núi non thiên nhiên tươi đẹp, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) còn được biết đến với những lễ hội độc đáo, đặc biệt là Lễ hội đua ngựa Bắc Hà.
Ngày 31/5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa ký quyết định đưa 10 di sản văn hóa phi vật thể vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội đua ngựa Bắc Hà (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) chính thức được ghi danh trong đợt này.
Giải đua ngựa xã Na Hối, huyện Bắc Hà mở rộng lần thứ nhất nằm trong hoạt động Lễ hội mùa đông Bắc Hà 2020. Ảnh minh họa: Quốc Khánh/TTXVN
Theo lịch sử, giải đua ngựa Bắc Hà thường được tổ chức vào mùa xuân với quy mô toàn vùng. Vào năm 1975, ở Bắc Hà tổ chức một buổi diễu hành với trên 200 con ngựa đi khắp khu vực trung tâm chào mừng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đến mùa xuân năm 1980, Huyện đội (Ban Chỉ huy Quân sự) Bắc Hà tổ chức giải đua ngựa, bắn súng chọn kỵ sĩ, xạ thủ giỏi để tham gia dân binh vận chuyển lương thực bằng đường bộ. Sau đó, Bắc Hà không tổ chức giải lần nào nữa.
Đến năm 2007, giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà mới chính thức được khôi phục lại. Từ đó đến nay, giải đã trở thành lễ hội thường niên của huyện Bắc Hà, được tổ chức mỗi năm 1 lần, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa thể thao đặc sắc của đồng bào các dân tộc Bắc Hà; quảng bá hình ảnh con người, du lịch Bắc Hà đến du khách trong và ngoài nước, trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch đến Bắc Hà.
Ngoài Lễ hội đua ngựa Bắc Hà, đợt này, tỉnh Lào Cai còn có 2 di sản khác cũng được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Nùng Dín (huyện Mường Khương) và Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa (huyện Bắc Hà). Cả hai di sản đều thuộc nhóm di sản văn hóa tri thức dân gian.
Các VĐV tranh tài trên đường đua chung kết tại Giải đua ngựa truyền thống năm 2018 với chủ đề “Vó ngựa Cao nguyên trắng”. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN
Cùng đợt này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng ký quyết định ghi danh nhiều di sản và thêm nhiều Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trong đó, Hà Nội có hai di sản được ghi danh gồm: Lễ hội Năm làng Mọc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân và phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm; Lễ hội kết chạ Phú Mỹ – Kiều Mai phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm và phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm; Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh; Nghề làm nước mắm Phú Quốc, phường Dương Đông, phường An Thới, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; Lễ “Ét đông” của nhóm Giơ Lâng (Ba Na) huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum; Lễ hội xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc; Nghề thêu ren Thanh Hà, xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các di sản được ghi danh trong đợt này thuộc các loại hình nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian. Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia đợt này trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Phương Hà (TTXVN)