Rong chơi trên miền cao nguyên trắng

“Mời anh đến thăm quê em, chỉ một lần mãi không quên, đất Bắc Hà nhớ mong anh mãi, người Bắc Hà như chén rượu nồng say…”. Nhẩm theo những giọng điệu trữ tình mà thấm đượm tình đất, tình người, chúng tôi theo quốc lộ 70 dưới những ngọn núi cao sừng sững của tỉnh Lào Cai rồi rẽ phải từ biển chào của huyện Bắc Hà để đến miền “cao nguyên trắng” một lần… và nhớ mãi xứ này.

Sắc màu chợ phiên

Có lẽ đến với Bắc Hà, du khách chờ mong được hòa mình vào chợ phiên của miền đất này. Chợ họp ở trung tâm huyện. Đồng bào Mông xuống núi từ chiều hôm trước để cho kịp buổi sáng hôm sau đi chợ. Nào ngựa, nào gùi tre, nào váy áo sặc sỡ dập dìu trên đường đi lối lại. Một khung cảnh thanh bình, ấm áp.

Chợ phiên Bắc Hà có những khu dành riêng cho những hàng hóa khác nhau. Có gian bán toàn đồ thổ cẩm xanh đỏ tím vàng được đồng bào Mông cầu kỳ thêu dệt mang xuống chợ bán. Có gian bán toàn dụng cụ lao động như lưỡi cày, cuốc xẻng, dao, nỏ… Người dân ở đây bảo rằng đó là những công cụ do chính người Mông rèn sắt làm ra.

Chợ ngựa Bắc Hà.
Chợ ngựa Bắc Hà.

Ở một góc khác bày bán những sản vật của đồng bào Mông, được mang từ trên tận núi cao xuống chợ. Nào là những mớ rau cải non, những khóm gừng củ vàng ươm, những xâu ớt chín đỏ, những gùi bọc xung quanh là lá chuối tươi xanh ngắt còn trong giữa là xôi ngũ sắc chưa ăn đã thấy ngon. Còn nữa, nào vịt, nào gà, nào lợn cắp nách… Phía ngoài đường, một dãy dài toàn mía. Những cây mía thân dài, vàng óng, ăn ngọt lừ. Người Mông ở đây bảo mía của họ vừa ngọt, vừa thơm lại vừa mềm vì được trồng trên miền đất cao nguyên quanh năm mát mẻ.

Có lẽ hấp dẫn và tấp nập nhất là khu dành cho ẩm thực. Và ở đó, có lẽ món ăn gợi tò mò và thu hút du khách nhiều nhất là món thắng cố ngựa đang nghi ngút khói trên các chảo nóng. Thật ra, đã lên Lào Cai thì ở vùng nào cũng có thắng cố, nhưng có lẽ phải là Bắc Hà, thắng cố mới ngon và đậm đà dư vị. Chẳng thế mà ngay từ sáng sớm mấy hàng ăn đã đông người. Mấy người đàn ông Mông mặc áo đen ngồi bên chảo thắng cố, nhâm nhi chén rượu, kể cho nhau nghe những chuyện làm ăn sau một tuần không gặp mặt.

Ớt sấy trên gác bếp được người Mông ưa chuộng ở chợ Bắc Hà.
Ớt sấy trên gác bếp được người Mông ưa chuộng ở chợ Bắc Hà.

Rượu ở chợ phiên uống một lần mà nhớ mãi cái vị thơm, vị nồng và cảm giác ngất ngây. Uống ly đầu tiên, rượu bốc lên tận đỉnh đầu, cảm giác như cổ họng bị đốt bởi nồng độ rượu vừa lạ vừa nặng. Nhưng sau đó, một cảm giác lâng lâng, ngất ngây hòa với khí hậu mơn man mát lành sẽ làm cho lòng người dịu lại, như được hòa mình vào không gian rực rỡ sắc màu. Chưa đến chợ Bắc Hà thì cứ mong đợi, đến rồi lưu luyến chẳng muốn rời, về rồi mà nhớ mãi: “Rượu chưa uống mà lòng ngây ngất. Phiên chợ tan mà anh chẳng muốn về”.

Mùa mận về trắng cả cao nguyên

Lên Bắc Hà vào dịp hè là đúng vào dịp mùa mận về. Nếu phiên chợ là đặc trưng văn hóa của vùng đất này thì cây mận là “người bạn” thủy chung và sâu nặng với người Mông ở đây. Trên miền cao nguyên quanh năm mát lành, cây mận đã bén duyên và sinh trưởng từ lâu.

Mía ngọt bán tại chợ Bắc Hà.
Mía ngọt bán tại chợ Bắc Hà.

Người ta gọi Bắc Hà là “cao nguyên trắng” bởi cũng từ cây mận mà ra. Vào tiết trời tháng Giêng, mận “mãn khai” trắng khắp cả núi rừng Bắc Hà. Cả cao nguyên tràn ngập sắc trắng. Ai đã từng có chuyến hành trình về Tây Bắc, đến Bắc Hà hẳn khó lòng cưỡng lại được vẻ đẹp hoang sơ mà quyến rũ của thiên nhiên và mây trời. Vào những ngày tháng Giêng, từ xa đi tới, ngắm nhìn Bắc Hà như một tấm thảm hoa làm sáng đẹp núi rừng. Khi ấy, ở khắp mọi nơi, chỗ nào có cây mận mọc là chỗ đó có hoa mận nở. Từ đám lá xanh ở vách núi, vụt lên cành mận trắng chi chít những hoa. Mỏm đá cheo leo thế mà người Mông Bắc Hà vẫn trồng mận. Cành mận là là xuống ven đường làm vương vấn tâm hồn du khách đi qua.

Hè về, chúng tôi lên Bắc Hà để chiêm ngưỡng mùa mận chín. Chẳng năm nào mận Bắc Hà bị mất mùa vì ở đây khí hậu mát lành, bàn tay người Mông cần cù chăm sóc nên cây ưa đất cứ thế mà kết trái. Mận Bắc Hà quả to, sai trĩu. Mùa mận, quả mọc chi chít ở thân cành, quả căng mọng, tím bầm hoặc đỏ tươi. Mùa này, người Mông tấp nập thu hoạch mận trên núi cao, chiều về, họ cho từng đoàn ngựa thồ mận xuống núi, mang ra trung tâm huyện để bán.

Ở chợ, những sơn nữ người Mông trong bộ váy áo sặc sỡ mời khách mua mận. Những trái mận căng mọng trong những chiếc gùi hấp dẫn đến lạ. Hấp dẫn hơn là sự thảo thơm mến khách và cái duyên của những con người vùng sơn cước.

Nếu đến Bắc Hà vào tháng 6, du khách được hòa mình trong không khí chuẩn bị rất tưng bừng cho một giải đua ngựa truyền thống, được tổ chức tại trung tâm huyện và có nhiều người tham dự. Đồng bào Mông ở Tả Van Chư, Nậm Dét, Na Hối… cứ mùa mận về lại cùng nhau xuống núi để tham gia và xem giải đua ngựa chỉ diễn ra một lần trong năm.

Trước khi giải diễn ra, người Mông trên núi chọn cho mình một con ngựa tốt thật đẹp và khỏe sau đó huấn luyện trong thời gian dài để mong ngựa sẽ giành chiến thắng trong giải đấu. Giải đua ngựa ở Bắc Hà diễn ra nhiều vòng, vòng loại, vòng chung kết ở những cự ly khác nhau. Mấy năm nay, cự ly thi đấu có rút ngắn để đảm bảo sức khỏe cho người và ngựa. Đến nay, cự ly chỉ còn khoảng 1.500-1.900 m. Những ngày diễn ra giải đua ngựa, Bắc Hà đông vui tấp nập. Hàng ngàn du khách từ khắp mọi miền về cao nguyên trắng để xem vó ngựa tung bay, hàng ngàn đồng bào địa phương xuống núi để cổ vũ cho “tay ngựa” của bản mình.

Trên dãy Hoàng Liên mây cao vời vợi, bốn mùa chim hót, Bắc Hà mời gọi và làm đắm say du khách. Nơi cao nguyên trắng này, hương rượu ngất ngây, hoa mận tinh khiết, sắc màu thổ cẩm rực rỡ và lòng người Bắc Hà mến khách làm cho người đến rồi mà chẳng muốn rời xa. Bởi “Nhịp đàn môi, như gọi lòng ta. Chờ tay anh hái. Mận vàng trái chín. Đẹp lắm anh ơi đất nước quê mình”.

NGUYỄN THẾ LƯỢNG

Bạn cũng có thể thích