Trải nghiệm phiên chợ bán “đầu cơ nghiệp” lớn nhất Tây Bắc
Người dân vùng cao xem “con trâu là đầu cơ nghiệp” nên gia đình nào cũng cần có một con trâu để sản xuất nông nghiệp, vì thế phiên chợ trâu là nơi mua bán quan trọng với bà con vùng cao Tây Bắc.
Mỗi khi nhắc đến phiên chợ nổi tiếng ở vùng Tây Bắc chúng ta không thể không nhắc đến phiên chợ trâu. Là chợ trâu lớn nhất Tây Bắc, mỗi phiên chợ có đến gần trăm con trâu được mua bán. Từ những con trâu được làm giống, cày bừa cho tới cả những con to lớn đến độ làm thịt, chợ vẫn mang nét độc đáo, hoang sơ của vùng núi thu hút nhiều người.
Cứ mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, người dân khắp vùng lại nô nức đổ về Bắc Hà (Lào Cai) để tham dự phiên chợ trâu “có một không hai” lớn nhất Tây Bắc. Chợ họp trên khu đất rộng cả nghìn mét vuông. Cảnh người mua, kẻ bán diễn ra tấp nập từ sáng sớm cho đến lúc chiều tà.
Đến với phiên chợ không chỉ người có nhu cầu mua trâu mà có rất nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan, chụp hình. Người đến bán trâu, kẻ đến mua trâu, nhiều người đến chợ chỉ để ngắm trâu. Họ tụ tập thành từng nhóm quanh những chú trâu để ngắm nghía, trao đổi với nhau.
Nhiều người dân sống ở bản cách chợ cả chục kilomet phải đi từ lúc 4h sáng mới kịp phiên chợ.
Trâu đem đến chợ bán đủ chủng loại, độ tuổi khác nhau. Trâu nái có, trâu đực có, trâu già có, ghé con cũng có. Bởi vậy mà giá cả những con trâu này cũng khác nhau việc mua bán được trao đổi bằng tiền mặt, tiện lợi mà nhanh chóng. Giá cả của từng con trâu cũng được trả nhanh gọn “thuận mua vừa bán”.
Trong thời gian họp, người mua được trâu thì mang về luôn. Trâu được người bán mang đến chợ, người mua đem đi, cứ thay nhau luân phiên khiến cho phiên chợ lúc nào cũng tấp tập.
Đối với người nông dân, con trâu là cả một gia tài lớn. Bởi vậy nhiều người dân đến chợ mua trâu về nuôi sinh sản hay để phục vụ sản xuất thường xem rất kỹ các chi tiết như chân, sừng, khoang khoáy… sau đó mới quyết định trả giá.
Trúc Chi (tổng hợp)