TUYỆT PHẨM: LÊN VÙNG CAO BẢN PHỐ NGẮM MÂM XÔI LÚA VÀNG

Nằm cách trung tâm thị trấn du lịch Bắc Hà thơ mộng độ hơn 1km là xã vùng cao Bản Phố vốn nổi tiếng nôi văn hoá đồng bào Mông Bắc Hà nói riêng và Lào Cai. Nổi bật là sản phẩm Ocop 4 sao- rượu ngô đặc sản Bản Phố. Bên cạnh đó ruộng bậc thang mùa nước đổ, mùa thu hoạch lúa chín vàng đầu thu, cùng với làng nghề đúc lưỡi cày và nhà trình tường đất, câu lạc bộ khèn Mông cũng là nét đẹp mới nổi hiện nay của Bản phố thu hút khách du lịch đến trải nghiệm, khám phá…
Từ Hà Nội đi gần 300km về hướng Tây Bắc, cao nguyên trắng Bắc Hà (Lào Cai) là huyện vùng cao có khoảng 6,5 vạn dân, trong đó 85% là đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt đồng bào Mông chiếm 48,3% dân số. Đây cũng là cái nôi văn hoá đồng bào Mông của Lào Cai nói riêng và các tỉnh vùng núi phía bắc. Đồng bào Mông cư trú chủ yêu vùng đồi núi cao ở khu vực trung và thượng huyện Bắc hà tiếp giáp huyện biên giới Si Ma Cai và Mường Khương (Lào Cai), Xín Mần (Hà Giang). Đồng bào Mông Bắc Hà sống tập trung chủ yếu ở các xã Bản Phố, Tả Văn Chư, lùng Cải, Tả Củ Tỷ, Lùng Phình và Hoàng Thu Phố… sống dựa chủ yếu bằng nghề nông, với cây ngô và lúa là 02 loại cây trồng chính. Do khí hậu đặc trưng ôn đới, mùa động khắc nghiệt, lạnh giá, sương muối nên chỉ trồng duy nhất 1 vụ ngô, 1 vụ lúa trong năm. Thế mới biết tầm quan trọng của cây lúa đối với đời sống, bảo đảm an ninh lương thực cho đồng bào Mông.
Hằng năm, Bản Phố thu hút đông đảo du khách vào mùa nước đổ tháng 5 – 6 và mùa thu hoạch lúa chín tầm tháng 9. Nếu vào mùa nước đổ, những thửa ruộng bậc thang đẹp long lanh như tấm gương trời trong trẻo thì đến mùa vàng, vùng cao Bản Phố lại bừng lên rực rỡ một màu ấm no.
Chúng tôi đến nhà anh Vừ Seo Giáo, thôn Quán Dín Ngài, xã Bản Phố vào sáng sớm, đúng lúc anh cùng gia đình đang chuẩn bị nông cụ, đồ ăn để ra đồng gặt lúa. Anh Giáo cho biết, mỗi mùa nhà anh thường thu hoạch được 30- 40 bao lúa. Năm 2020, khí hậu thuận lợi, mưa thuận gió hoà nên nhà mình và bà con người Mông được mùa ngô, lúa, phấn khởi lắm! mỗi năm chỉ có 1 vụ lúa chính vụ duy nhất, no ấm trông chờ vào duy nhất vụ này”.
Trên thửa ruộng, dưới ánh nắng sớm trong trẻo của vùng cao ngày thu, những bông lúa trĩu nặng ánh lên màu vàng xuộm bắt mắt. Đi cùng người dân nơi đây gặt lúa mới thấy, họ vất vả từ khâu di chuyển. Nhà nằm trên đỉnh núi, đi từ nhà xuống thửa ruộng cũng đã qua bao khúc quanh, bao đèo dốc. Đến ruộng rồi cũng chỉ có thể mang theo những đồ gọn nhẹ nhất như cái liềm mà thôi, bởi vì những thửa ruộng trông uốn lượn đẹp như một bức tranh lụa trong mắt du khách, nhưng với người canh tác thì đó lại là trở ngại đáng kể.
Bữa trưa ngày mùa, những người phụ nữ Mông tươi cười ngả trong gùi ra mấy gói cơm ăn kèm với măng xào ớt – món ăn đặc trưng nơi đây và bình nước trắng thay canh. Do thịt lợn tăng giá cao, người dân nghèo không có tiền mua thịt lợn, thịt mỡ để cải thiện nên đành ăn đạm bạc song chắc dạ có sức thu hoạch lúa.
Khu ruộng bậc thang trồng lúa ở Bản Phố vốn đã đẹp song đẹp nhất là khu “mâm xôi vàng” của các hộ người Mông thôn Quán Dín Ngài và cũng là thôn nghèo khó nhất xã.
Theo lời anh Vừ Seo Giáo, nông dân trong thôn, ruộng lúa này đã có từ lâu lắm rồi, có từ thời ông bà ngày xưa đến khai hoang, gia đình anh em nhà mình cứ thế canh tác. Thỉnh thoảng cũng thấy du khách đến ngắm, chụp ảnh và khen ngợi cũng thấy vui.
Thế nhưng, tuy gọi là mâm xôi vàng, đối với bà con người Mông nơi đây cuộc sống cũng chưa sang trang, công việc của họ vẫn đều đặn như xưa nay vẫn thế – vẫn gieo cấy, vẫn đêm đêm trông đường ống bằng tre dẫn nước đủ về ruộng, vẫn nhắc từng người khách chớ dẫm vào lúa, vẫn ngóng chờ ngày thu hoạch… để có bữa cơm mới như bao gia đình khác nơi bản vùng cao Bản phố./.
1. Mùa vàng trên vùng cao Bản phố
2. Sau tết độc lập 2/9, khi lúa bắt đầu chín vàng trên nương, đồng bào mông bảo nhau lên nương gặt lúa vàng
3. Mùa của tình yêu, tuổi trẻ, hi vọng, ấm no
4. Vẻ đẹp độc đáo của “mâm xôi vàng” Hay là gương bát quái của đạo sỹ phái Võ Đang- Trương Tam Phong trừ yêu, trừ tà bảo vệ muôn dân…

Bài, ảnh; Tráng Xuân Cường

Bạn cũng có thể thích