Lạc lối giữa phố núi Bắc Hà
1. Màn đêm như phủ một lớp màu đen dày đặc bao trùm lên cái thị trấn nhỏ bé này. Mới 8h tối, trên con đường phố chính chỉ còn lác đác người qua lại, vài ngọn đèn lừ đừ trong quán hắt ánh sáng yếu ớt, đỏ quạch không rõ mặt người. Mưa vẫn lất phất bay, càng về đêm trời càng lạnh. Chúng tôi tìm đến nơi có ánh lửa, chỗ ấy lúc bừng sáng, khi lại chìm trong mưa bụi, và khi đến nơi hóa ra là hàng ngô nướng. Cô gái người Mông còn rất trẻ, dưới ánh lửa đỏ, đôi gò má như một trái hồng chín mọng, căng tròn, càng tăng vẻ đẹp huyền bí nơi núi cao rừng thẳm này.
Chưa kịp hỏi chuyện cô nàng thì chúng tôi mỗi người đã cầm một bắp ngô còn nóng ran trên tay rồi đưa lên miệng. Và cũng chẳng cần mặc cả, chúng tôi cùng nhau ngồi bệt trên các phiến đá lạnh cứng để thưởng thức thứ hương vị thơm, dẻo, bùi, ngọt của những bắp ngô mới bẻ trên nương về.
Lúc này tôi mới kịp ngắm nàng “Công chúa H’Mông”, đôi tay đang thoăn thắt quạt cho hòn than cháy hồng, bắp ngô trắng lăn trên ngọn lửa. Những hạt ngô căng nhựa khẽ nứt từng hạt nổ lép bép, mùi thơm ngọt ngào theo làn gió núi quện hơi ấm từ chậu than hồng, cảm giác chúng tôi đang lạc giữa nơi bản làng của tộc người trên núi cao, rừng thẳm.
Ngô được đồng bào trồng trên các sườn núi Bản Phố, Tả Van Chư, Cốc Ly, Thái Giàng… Nếu để chưng cất rượu bằng nước suối, ủ men từ các rễ cây, hoa, lá, quả rừng thì thứ rượu ngô ấy khi đã ngấm trong ta như một ngọn lửa tình rực cháy, hừng hực dâng trào tận con tim. Đến Bắc Hà mà không thưởng thức thứ rượu ngô Bản Phố, không ăn thắng cố người Mông thì coi như chưa đặt chân lên vùng đất cực Bắc của Tổ quốc.
Tạm chia tay nàng “Công chúa H’Mông” xinh đẹp với chậu ngô đang quạt dở, chúng tôi ngược lên dốc đầu phố giữa ánh đèn cao áp lung linh bên đường. Phố núi về đêm vừa buồn, vừa như có gì huyền bí mà chưa ai có thể khám phá hết được. Mấy anh bạn tôi đi liêu xiêu, không hiểu có phải vì những chén rượu ngô Bản Phố giờ đã ngấm, hay vì gió núi mưa ngàn đã làm các anh không còn đứng vững.
2. Tôi rảo bước một mình giữa đêm vắng lạnh, ngắm nhìn những ngôi nhà nhiều tầng, kiến trúc diêm dúa Tây – ta lẫn lộn, những cửa hàng, cửa hiệu hầu như đã đóng cửa thì chợt hiện ra một dinh thự nguy nga, đồ sộ, khiến cảm giác như bị lạc vào câu chuyện Nghìn lẻ một đêm. Với khuôn viên rộng lớn ước chừng vài ngàn mét vuông, chung quanh có hàng rào bao bọc, cổng dinh thự kiến trúc bề thế theo kiểu phương Đông, đèn chiếu từ ngoài vào sân sáng như sao sa. Tôi thực sự choáng ngợp trước một công trình với nhiều đường nét hoa văn, họa tiết cầu kì đã tồn tại gần thế kỷ mà giờ đây có thể coi như là một phế tích từng một thời ngự trị, một thời khét tiếng về sự xa hoa, độc ác của cha con Thổ ty Hoàng Yến Chao, Hoàng A Tưởng.
Tôi đã được nghe nhiều đến dinh thự họ Hoàng, nhưng giờ đây mới được tận mắt chứng kiến được sự giầu sang, quyền lực ấy. Người ta kể rằng để xây dựng dinh thự này, cha con họ Hoàng đã bắt rất nhiều phu từ các châu, bản về chặt rừng, vác gỗ, đẽo đá ngày đêm trong suốt 7 năm. Đã có không ít người gửi xác nơi đây, hoặc có lê thân về được đến nhà thì cũng chết dần chết mòn vì ngã nước. Lịch sử đã sang trang, những dấu tích một thời hãy còn hằn sâu trong lòng người dân nơi đây và dinh thự cha con họ Hoàng là minh chứng còn lại.
Cứ mải mê ngắm nhìn khu dinh thự, mải mê suy nghĩ về những gì mà cha con họ Hoàng dựng lên từ thời mảnh đất này còn hoang vu, vắng lạnh với rừng thiêng nước độc, con người còn ngây ngô, lạc hậu, chợt nhìn đồng hồ đã quá nửa đêm. Tôi giật mình vì nhớ ra sáng mai là phiên chợ Bắc Hà. Trên này tuần lễ có 2 phiên chợ chính. Thứ Bảy là chợ Cán Cấu, Chủ nhật là chợ Bắc Hà.
Còn đang mơ màng chìm trong giấc ngủ thì các anh bạn đã thức dậy từ lúc nào và đang trong tư thế balo, túi, máy ảnh lủng lẳng trên vai chuẩn bị lên đường tác nghiệp. Như một bản năng nghề nghiệp, chừng 30 phút sau chúng tôi đã có mặt ở đỉnh dốc Bản Phố để đón dòng người xuống chợ bằng những khoảnh khắc bấm máy. Sương sớm còn đọng trên những nhánh cây, cành lá. Hừng đông từ trên đỉnh núi xuất hiện, những tia nắng đầu tiên đổ tràn xuống phố núi như một tấm thảm óng ánh nhiều màu sắc quấn lấy dòng người xuống chợ.
Những chàng trai người Mông vai chắc nịch, rắn như đá núi, tay dắt ngựa thồ, vài con trâu béo mập ngơ ngác theo chân chủ để đi đổi lấy ngô, thóc, muối, tiền… Có lẽ vui nhất vẫn là các cô gái Mông, cô nào cũng xinh đẹp như tiên nữ bởi những bộ váy áo nhiều mầu sắc, vòng bạc đeo đầy cổ, trễ vành tai, kín cổ tay, vừa đi vừa cười nói ríu rít như chim. Họ đi chợ không phải chỉ để mua sắm, mà còn để khoe sắc, khoe váy áo, khoe những nụ cười với các chàng trai. Còn để tìm nhau, gặp lại nhau từ phiên chợ trước rồi hẹn phiên sau lại đến.
3. Bắc Hà có hơn 10 dân tộc chung sống, uống chung con suối, tắm chung dòng sông đỏ phù sa, nhưng riêng người Mông là đông nhất. Đặc trưng của người Mông là trang phục nhiều họa tiết, chẳng thế mà khách du lịch nước ngoài mỗi khi đến Việt Nam đa phần tìm đến Bắc Hà đi chợ Cán Cấu để được ngắm nhìn các cô gái Mông xinh đẹp, thơ dại như những cây rừng mọc trên núi, ngắm nhìn những bộ váy áo sặc sỡ, nhiều hoa văn, nhất là những đồ trang sức mang trên người óng ánh phát ra những âm thanh kì thú. Ngay cả chúng tôi cũng bị hút hồn bởi nét đẹp độc đáo của họ.
Khi bóng nắng lên đến đỉnh đầu cũng là lúc chợ đông vui nhất, người tận Tả Củ Tỷ, Nán Xìn, Cán Cấu (Si Ma Cai) cũng tới. Người từ Lùng Cải, Tả Van Chư, Cốc Ly cũng về. Họ phải đi từ tờ mờ sáng, vượt qua nhiều quả núi, nhiều con suối để đến chợ. Không khí lúc này rất náo nhiệt với nhiều mầu sắc trang phục, nhiều tiếng nói khác nhau. Hòa trong dòng người, chúng tôi bắt gặp rất đông khách nước ngoài.
Họ xem và mua những hàng hóa thủ công mỹ nghệ, chụp chung vài kiểu ảnh với các cô gái Mông. Đi vào dãy hàng ăn, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy 2 ông Tây cao to đang bê tô thắng cố húp xì xụp ngon lành. Trước mặt hàng ghế dài là mấy chàng trai đội mũ nồi đang cười nói rồi nâng bát rượu mời nhau bằng thứ tiếng Mông mà chỉ mình họ hiểu. Hai ông Tây thấy không khí vui nhộn cũng cầm bát rượu lên cao chạm với từng người. Rồi cả Tây, cả ta cùng phá lên cười.
Hoàng hôn tắt nắng cũng là lúc chợ thưa dần. Từng tốp người tay xách, vai gùi kéo nhau ra về. Trên từng góc phố vẫn còn các cô gái Mông tụm năm, túm ba cười nói ríu rít như muốn còn níu kéo không khí buổi chợ. Chia tay Bắc Hà, chia tay núi cao, rừng thẳm, con người thân thiện với nét văn hóa riêng của cao nguyên cực Tây Tổ quốc. Chắc rằng những dấu ấn về Bắc Hà còn đọng lại mãi trong lòng mỗi du khách tới đây.