Khám phá cuộc sống người Bắc Hà qua những nghề thủ công truyền thống
Trong khuôn khổ Lễ hội mùa Đông Bắc Hà năm 2021 với chủ đề “Vũ điệu Cao nguyên trắng”, người dân và du khách có cơ hội khám phá cuộc sống thường ngày của đồng bào các dân tộc huyện Bắc Hà qua hoạt động trình diễn nghề thủ công truyền thống.
Mỗi dân tộc trên địa bàn huyện Bắc Hà đều có những nghề truyền thống gắn với hoạt động sản xuất và sinh hoạt như: Nghề chế tác khèn; nấu rượu ngô; chạm khắc bạc; dệt vải; may trang phục truyền thống; thêu túi; trang trí hoa văn trên trang phục người Mông hoa…
Cây khèn là nhạc cụ quan trọng không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Mông. Chế tác khèn cũng trở thành nghề truyền thống được người Mông huyện Bắc Hà gìn giữ. Theo truyền thuyết của người Mông, 6 ống khèn tượng trưng cho 6 anh em trong một gia đình, khi cả 6 anh em cùng thổi sáo thì ai cũng cảm thấy hay nhưng khi thiếu đi một người thì không còn hay nữa. Cây khèn chính là biểu tượng văn hóa, tượng trưng cho tính cố kết cộng đồng của người Mông ở vùng cao.
Nghề rèn cũng là một trong những nghề truyền thống lâu đời của người dân vùng cao Bắc Hà. Chỉ với những dụng cụ đơn giản như: búa, kìm, ống thổi, đe.. người thợ thủ công có thể tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ đời sống và sản xuất như: dao, cuốc, cày… Ngày nay, nghề rèn vẫn được nhiều người gìn giữ với sự hỗ trợ của một số máy móc hiện đại.
Từ bao đời nay, người Mông đã truyền nhau câu nói “Ở đâu có cây lanh, ở đó có người Mông”, ý nói người Mông có truyền thống trồng lanh, se lanh, dệt vải may trang phục. Với sự tinh tế, khéo léo, nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông hoa Bắc Hà đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nấu rượu ngô là nghề truyền thống của người dân xã Bản Phố. Rượu dùng men hồng mi ủ với ngô, ngâm trong nước suối, sau đó chưng cất bằng chõ gỗ. Để có những mẻ rượu ngon, ngoài nguyên liệu đặc biệt phải có những kinh nghiệm được người dân Bản Phố tích lũy lâu đời. Tất cả tạo nên một loại rượu hương đặc trưng và vị khác biệt của Cao nguyên trắng Bắc Hà.
Đồng bào dân tộc Mông chủ yếu sinh sống trên những vùng núi cao nên họ thường tận dụng các loại tre, nứa làm các vật dụng hằng ngày. Lù cở – chiếc gùi là một trong những vật dụng không thể thiếu trong các gia đình người Mông. Cho đến ngày nay, nghề đan lù cở đã trở thành nghề thủ công truyền thống được lưu truyền và bảo tồn từ đời này sang đời khác.
Người Tày, Nùng xã Na Hối có nghề rèn đúc và chạm khắc bạc từ rất lâu đời và đạt đến trình độ tinh xảo. Các sản phẩm của nghề chạm bạc rất phong phú gồm các loại vòng tay, vòng cổ, hoa tai, nhẫn, xà tích…
Trong quan niệm của người La Chí, trang phục truyền thống là một nét đặc trưng văn hóa. Họ không mặc trang phục của dân tộc khác mà chỉ mặc đồ do tay mình làm ra. Phụ nữ La Chí từ nhỏ đã được truyền dạy cách làm trang phục truyền thống, khi đường kim, mũi chỉ càng tỉ mỉ và đẹp mắt cũng có nghĩa người phụ nữ càng khéo léo.
Từ bao đời nay, người Phù Lá ở xã Lùng Phình đã lưu truyền và gìn giữ nghề may trang phục truyền thống của dân tộc minh. Trang phục của người Phù Lá có màu chủ đạo là màu chàm, đen hoặc xanh dương, được trang trí cầu kỳ bởi họa tiết, hoa văn và trang sức đi kèm.
Đến các bản làng người Tày, chúng ta đều có thể dễ dàng bắt gặp phụ nữ đeo túi vải ngang hông, đó là một phần gắn liền với trang phục truyền thống của người Tày. Để thêu một chiếc túi truyền thống của người Tày, người ta dùng 6 màu chủ đạo (xanh, đỏ, tím, vàng, trắng và đen). Hoa văn được thêu trên túi là hình ảnh của các loài hoa, bướm, con nhện, đồng tiền cổ… bố cục theo phương pháp ô quả trám có đường viền bao quanh…
Ngay từ bé, những cô gái người Dao đỏ (xã Nậm Đét) đã được mẹ truyền dạy cách thêu thùa, ăn mặc sao cho đẹp và duyên dáng. Người Dao đỏ ưa chuộng màu đỏ rực rỡ để trang trí trên khăn, cổ áo, nẹp áo, gấu quần… Điểm nổi bật nhất trong bộ trang phục của người Dao đỏ là màu đổ ở chiếc khăn, của hàng tơ tằm màu đỏ đính trên nẹp áo khiến người ta liên tưởng đến những bông hoa rừng đỏ rực rỡ.
Chiếc nón lá là vật không thể thiếu trong cuộc sống của người Tày xã Bản Liền. Nó không chỉ là vật che mưa, che nắng mà trở thành nét đặc trưng trong phong tục của người Tày nơi đây. Nguyên liệu làm nón được lấy từ tre, nứa và lá cọ có sẵn tại địa phương. Ngày nay, nghề làm nón lá vẫn được duy trì và trở thành sản phẩm trải nghiệm được nhiều khách du lịch thích thú.
https://www.baolaocai.vn/